Giảm phát thải môi trường, hướng đến khách hàng
Không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ (ĐMCN), bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất là mục tiêu mà Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) đang hướng đến.
Theo Công ty Đồng Lâm, việc ĐMCN thời gian qua được Công ty Đồng Lâm thực hiện theo lộ trình từng bước, bao gồm đầu tư hệ thống phun Ure khử NOx, hệ thống tận dụng nhiệt khí thải cho sấy nghiền xi măng và lắp mới hệ thống máy nạp, đóng bao tự động của hãng nổi tiếng Haver Boecker của Đức cho năng suất cao gấp rưỡi máy cũ, giảm phát thải bụi tối đa trong quá trình vận hành.
Ông Nguyễn Hữu Chi, Giám đốc Bộ phận Kỹ thuật sản xuất và Nghiên cứu phát triển của Công ty Đồng Lâm chia sẻ, việc lắp đặt hệ thống đóng và xuất bành tự động đáp ứng yêu cầu của khách hàng về lưu thông hàng hóa trong kênh phân phối, công tác cung ứng hàng hóa (phương thức giao nhận, bốc dỡ, tiến độ giao hàng…), góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động bán hàng, giải phóng sức lao động thủ công nặng nhọc, bảo vệ môi trường. Sử dụng phụ gia khoáng (tro bay, xỉ hạt hóa) để giảm hàm lượng clinker, giảm phát thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính và đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai dự án hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để phát điện có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định nguồn điện, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trước tiên có thể kể đến việc đầu tư cải tiến hệ thống tận dụng nguồn nhiệt thải để sấy máy nghiền xi măng thay thế nhiệt từ buồng đốt phụ giảm tiêu hao dầu DO, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải ra. Đối với dây chuyền sản xuất clinker, nhà máy còn tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống khử NOx theo phương pháp SNCR, góp phần chủ động hơn nữa trong giải pháp xử lý, nâng cao khả năng xử lý giảm hàm lượng NOx phát thải ra môi trường.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), ĐMCN đã cho phép nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, năng suất lao động, bảo vệ an toàn cho máy móc, thiết bị, con người và môi trường xung quanh; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên, vật liệu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Chi, khâu nghiền xi măng là công đoạn cuối cùng tạo ra sản phẩm, mỗi công nghệ nghiền sẽ có các đặc tính sản phẩm khác nhau nên việc lựa chọn công nghệ nghiền ở Đồng Lâm rất được chú trọng, nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu chất lượng từ nhiều đối tượng khách hàng.
Ngay từ đầu Đồng Lâm đã lựa chọn công nghệ nghiền đứng và sản phẩm sản xuất có chất lượng vượt trội, nhất là đặc tính sử dụng của sản phẩm, nên đáp ứng được hầu hết nhu cầu của khách hàng.
Năm 2020 Đồng Lâm đã đầu tư và đưa vào vận hành bổ sung thêm dây chuyền nghiền xi măng có sử dụng công nghệ nghiền bi kết hợp cùng hệ thống phân hạt tiên tiến, hệ thống điều chỉnh gió linh hoạt, dễ dàng tối ưu các thông số vận hành, chất lượng sản phẩm. Đến nay, nhà máy đã đầu tư đầy đủ cả 2 công nghệ nghiền, giúp đa dạng hóa đặc tính sản phẩm, đáp ứng tốt mọi nhu cầu của khách hàng.
Đồng Lâm cũng sử dụng các nguồn nguyên liệu mới, sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác, nhất là các phụ gia khoáng bổ sung, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Dây chuyền công nghệ sản xuất xi măng Đồng Lâm được chú trọng đầu tư, lắp đặt thiết bị bổ sung nhiều cấu tử nguyên liệu, linh động trong việc sử dụng, theo đó, dây chuyền sản xuất có thể sử dụng đồng thời lên đến 6 cấu tử.
Theo ông Nguyễn Hữu Chi, hệ thống đóng xuất bành xi măng tự động là một trong những khâu đầu tư ĐMCN mới nhất mà Đồng Lâm thực hiện nhằm hướng đến khách hàng. Đây cũng là công đoạn có hoạt động sản xuất phức tạp, công nhân nạp vỏ bao làm việc vất vả, liên tục trong môi trường thiết bị có bụi.
Để nâng cao tự động hóa trong sản xuất, giảm sức lao động, thuận tiện trong giao nhận, Đồng Lâm đã thực hiện đầu tư, ĐMCN một số hạng mục, trong số đó thì đầu tiên phải kể đến là hệ thống nạp vỏ bao và đóng bao tự động do hãng Haver & Boecker của Đức cung cấp. Việc đổi mới này góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất xuất hàng, tăng thẩm mỹ bao xi măng thành phẩm.
Xét thấy yêu cầu của thị trường lao động phổ thông đòi hỏi cơ giới hóa khâu bốc xếp giao nhận, nhà máy đã đầu tư hệ thống đóng và xuất xi măng bành tự động nhằm cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, phù hợp với các yêu cầu ngày càng cao của các quy định về quản lý lao động và bảo vệ môi trường.
Giảm chi phí bốc xếp do chi phí làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại tăng cao; Giảm sự phụ thuộc vào người lao động do ngày càng ít lao động tham gia công việc này; Chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực/phương tiện bốc dỡ hàng; thời gian giao nhận nhanh chóng, thuận tiện.
Đồng Lâm đã đầu tư hệ thống xuất hàng tự động với giải pháp tự động hóa trong quy trình xuất, nhập hàng, cho phép việc giao nhận được xử lý tự động qua tất cả các khâu. Hệ thống giao nhận là một chuỗi khép kín các nghiệp vụ được xử lý tự động từ lúc xe vào nhà máy đăng ký nhận hàng đến khi rời khỏi nhà máy. Nhờ ứng dụng hệ thống quản lý xuất, nhập hàng này, nhà máy đã kiểm soát chính xác sản lượng xuất hàng, tiết kiệm thời gian giao nhận và nhân lực xử lý thông tin đơn hàng.
Xu hướng chung trong giai đoạn sản xuất hiện nay áp dụng công nghệ 4.0 nên ngay từ đầu dự án Nhà máy xi măng Đồng Lâm được đầu tư, lắp đặt các thiết bị công nghệ tiên tiến vượt trội. Riêng trong khâu quản lý chất lượng, để đảm bảo ổn định nguyên liệu đầu vào, kiểm soát tốt quá trình chế biến, nhà máy đã đầu tư đồng thời 2 hệ thống máy phân tích trực tuyến PGNAA kết hợp hệ thống kiểm soát phối liệu tự động mà chưa có nhà máy nào ở Việt Nam thực hiện.