Giảm phát thải, xanh hóa giao thông đô thị
Tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển đổi phương tiện từ dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, cải thiện công nghệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch, xe điện... để giảm phát thải
Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM vừa phối hợp với UNDP (Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc) tổ chức chương trình tập huấn "Chuyển đổi năng lượng hướng tới giảm phát thải trong giao thông". Nhiều phương án và giải pháp đã được đưa ra để TP HCM xây dựng chiến lược xanh hóa giao thông đô thị.
Phát triển giao thông điện, năng lượng xanh
Ông Bùi Hoài An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh gồm 3 giai đoạn: khởi động (2023 - 2030), tăng trưởng nhanh (2030 - 2040) và tăng trưởng ổn định (2040 - 2050).
Để thực hiện tốt lộ trình này, TP HCM sẽ tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giao thông điện; hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông điện.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện; thực hiện các giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân.
Ngoài ra, theo ông Bùi Hoài An, TP HCM sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, khuyến khích tham gia giao thông công cộng và chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng thành phố có nhiều cơ hội chuyển đổi phương tiện giao thông điện để giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, cần có đề án thí điểm, nâng cấp, cải thiện chất lượng phương tiện giao thông sử dụng công nghệ nhiên liệu mới và bảo đảm đồng bộ, tích hợp với các giải pháp khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện giao thông bền vững.
Song song đó, phải có mục tiêu cụ thể về xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện chuyển đổi sang phương tiện giao thông năng lượng sạch.
Xây dựng giải pháp thực hiện, thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh.
Ngoài ra, thực hiện phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện, vùng phát thải thấp (LEZ), ưu tiên cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý, tăng cường năng lực, huy động nguồn vốn tài chính và lộ trình cụ thể để triển khai.
Xây dựng thị trường carbon nội địa
Với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP HCM sẽ có cơ hội phát triển tốt về năng lượng xanh và cần đẩy mạnh trong giai đoạn thực hiện nghị quyết này.
Sở GTVT TP HCM và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đang xây dựng "Kế hoạch triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan của ngành GTVT trên địa bàn TP HCM". Dự kiến tháng 4-2024, kế hoạch này sẽ hoàn thành và trình UBND TP HCM phê duyệt.
TP HCM có mức phát thải khí nhà kính 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải của quốc gia. Trong đó, phát thải khí từ hoạt động GTVT chiếm 45%. TP HCM đang quản lý khoảng 9 triệu phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô chiếm hơn 95%) và cuối năm 2020, các phương tiện giao thông tạo ra lượng khí phát thải khoảng 17 triệu tấn.
Từ năm 2016, Sở GTVT TP HCM đã phối hợp với các đơn vị vận tải đưa vào sử dụng 1.680 xe buýt mới. Trong số này, 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu nén CNG (Compressed Natural Gas). Lượng khí thải độc hại của xe sử dụng CNG giảm 53%-63%, không có bụi và khói đen, tiết kiệm 30%-40% nhiên liệu (so với xe sử dụng dầu diesel).
Theo UNDP, Việt Nam đã có nền tảng pháp lý hỗ trợ việc thiết lập và vận hành thị trường carbon; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ carbon và các cơ chế trong Thỏa thuận Paris có thể tạo ra nguồn doanh thu bổ sung.
Tuy vậy, thị trường carbon vẫn gặp nhiều khó khăn vì thời gian đến khi thí điểm lộ trình mức phát thải bằng 0 (năm 2025) còn ít, có rất nhiều yêu cầu kỹ thuật và quản trị mới…
Do đó, cần có quyết tâm chính trị và sự tham gia tích cực của các bên liên quan; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ và chọn lựa mô hình thí điểm phù hợp, khả thi nhất.
Thị trường carbon cần nhiều nguồn lực, phải ban hành nhiều văn bản pháp quy, hướng dẫn thực hiện trong năm 2024 và cần có chính sách linh hoạt, điều chỉnh liên tục.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-phat-thai-xanh-hoa-giao-thong-do-thi-19624031720364174.htm