Giám sát cam kết giảm lãi, sửa lại chính sách hỗ trợ người vay
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN sẽ tăng cường giám sát những cam kết của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo với NHNN về vấn đề này.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN sẽ tăng cường giám sát những cam kết của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo với NHNN về vấn đề này.
Mong mói vay vốn và cơ cấu lại nợ
Vừa qua, 16 tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ khoảng 20.300 tỷ đồng, tùy quy mô ngân hàng. Mỗi ngân hàng sẽ đưa ra những kế hoạch giảm lãi vay cho từng đối tác, khách hàng của mình, đương nhiên kèm theo nhiều điều kiện vay.
Riêng 4 NHTM Nhà nước lớn là: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
COVID-19 kéo dài, chưa biết bao giờ mới kết thúc khiến hoạt động du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. "Doanh nghiệp du lịch cực kỳ khó tiếp cận vốn, nhất là vốn lãi suất thấp. Ngân hàng chỉ cho vay vốn lưu động và kinh doanh chứ không cho vay để chi trả chi phí cơ bản duy trì nên doanh nghiệp không vay được, kể cả có tài sản thế chấp, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism cho biết. Đối với gói vay lãi suất 0% để trả lương cho nhân viên, người lao động, không chỉ Hanoi Tourism mà nhiều doanh nghiệp cũng than thở khó tiếp cận vì "chưa có hướng dẫn” hoặc hồ sơ gửi đi nhưng không có phản hồi.
Lĩnh vực vận tải cũng được một số ngân hàng giảm lãi vay 1 đến 1,5%/năm từ mức hiện hữu, nhưng với nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, mức giảm này không thấm tháp so với khó khăn do hoạt động kinh doanh ngừng trệ. Đơn cử, một doanh nghiệp vận tải từng vay vốn ngân hàng để mua ô tô từ giữa năm 2019 với kỳ hạn 4 năm, lãi suất năm đầu là 8,7%/năm, các năm sau cộng biên độ 4,3%/năm. Dù ngân hàng giảm lãi vay hiện hữu 1,5%/năm nhưng lãi suất mà doannh nghiệp vẫn phải trả khá cao là 10,5%/năm.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng xác nhận: Thời gian qua, ngân hàng đã giảm lãi suất với một số khoản vay hiện hữu, ví dụ những khoản vay kỳ hạn dài, với lãi suất từ 11 - 13%/năm, thời gian qua được giảm từ 1 - 1,5 điểm %/năm. Tuy nhiên, lãi suất các doanh nghiệp phải trả vẫn trên 10%/năm, mức cao trong bối cảnh kinh doanh ngừng trệ.
Nhiều khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng lao đao vì thu nhập giảm. Theo quy định, sau 45 ngày, chủ thẻ mới phải thanh toán tiền chi tiêu, nếu không trả sẽ bị tính lãi. "Trước kia với thời gian 45 ngày là thoải mái, nhưng ở thời điểm hiện tại, 45 ngày vẫn rất eo hẹp. Dịch kéo dài 3 tháng là 3 tháng thu nhập giảm mạnh. Tôi mong ngân hàng có chính sách cho khách hàng trả góp 0% những tháng sau đó", chị Minh Thúy (phố Nguyễn Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) đề xuất.
Đối với cá nhân sử dụng thẻ tín dụng là vay tiêu dùng, thường là các khoản vay tương đối nhỏ nhưng với lãi suất khá cao, khoảng từ 25 - 30%/năm nên nhiều khách hàng cho rằng: Ngân hàng nên giảm xuống tương đương với mức lãi vay tiêu dùng thông thường trung bình khoảng 15%/năm; tăng thời gian miễn lãi đối với thẻ tín dụng lên 60 hoặc 90 ngày, thay vì tối đa là 45 ngày như hiện nay…
Mong sửa Thông tư 03 để được gia hạn trả nợ
Nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới NHNN cần mở rộng thêm nhiều đối tượng khách hàng đủ điều kiện tiếp cận với chính sách như: Mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, thay vì chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước 10/6/2020 như hiện nay. Theo đó, Thông tư 03/2021 của NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch COVID-19 cần được sửa đổi do dịch bệnh bùng phát mạnh mà trước đó, NHNN chưa lường tới.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện, một số ngân hàng cũng đã triển khai giảm lãi cho khoản vay cá nhân.
"Một số khoản nợ khác như: Thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C (thư tín dụng), ... cũng đang được kiến nghị để bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ trong Thông tư 03”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
Đại diện Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết: Thẻ tín dụng là hình thức phổ biến với nhiều người nhưng lại chưa nằm trong diện được giãn hoãn, miễn giảm lãi. Do đó, các ngân hàng đề nghị NHNN mở rộng chính sách với nhóm đối tượng này. "Quy định tại Thông tư 03 chưa cho phép các TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ được cơ cấu nợ bởi dịch. Hiện, việc khoanh nợ không tính lãi chỉ được áp dụng với các khoản vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Khoanh nợ không tính lãi trong một thời hạn hợp lý là giải pháp cần được tính đến trong bối cảnh COVID-19 bùng phát mạnh. Việc khoanh nợ cũng là cơ sở để các ngân hàng cấp thêm vốn mới cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, Tổng thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.