Giám sát chặt an toàn đường sắt nhờ thiết bị hỗ trợ tuần đường

Đường sắt nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị di chuyển hỗ trợ nhân viên tuần đường, giảm sức lao động, tăng giám sát an toàn.

Công ty CP Đường sắt Hà Lạng vừa thử nghiệm thành công thiết bị di chuyển trên đường sắt hỗ trợ công nhân tuần đường. Thiết bị được đánh giá sẽ hỗ trợ đắc lực cho công nhân tuần đường, đảm bảo công tác kiểm tra, tuần đường sắt liên tục; Người công nhân mất ít thời gian, sức lực khi đi tuần, có thời gian tập trung vào việc duy tu, sửa chữa nhỏ.

Thiết bị di chuyển trên đường sắt, hỗ trợ công nhân tuần đường.

Thiết bị di chuyển trên đường sắt, hỗ trợ công nhân tuần đường.

Thiết bị đã được vận hành thử nghiệm tại một số khu gian trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng. Qua thử nghiệm cho thấy, thiết bị vận hành tốt trên đoạn đường đèo dốc như tại khu gian Đồng Mỏ - Bắc Thủy có nhiều đoạn đường độ dốc lớn, dốc dài. Thiết bị cũng di chuyển tốt qua các đường cong bán kính nhỏ như tại khu gian Bắc Lệ - Sông Hóa.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, hiện nay công tác tuần đường sắt trên mạng lưới đường sắt Việt Nam vẫn thực hiện thủ công. Các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải bố trí các tổ tuần đường làm việc theo ban kíp, đi bộ dọc đường sắt để phát hiện các hư hỏng, sự cố về đường sắt và xử lý kịp thời hoặc báo cáo đơn vị khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác tuần đường sắt bằng thủ công khiến người công nhân tuần đường rất vất vả, tốn nhiều sức lao động do đi bộ trên cung đường dài, phạm vi 8-10km. Trong khi điều kiện làm việc chịu tác động nhiều từ thời tiết như nắng to, mưa, bão và thời gian làm việc ngày, đêm.

Người tuần đường quan sát và kiểm tra đường sắt thuận lợi, rút ngắn thời gian tuần đường so với đi bộ, công nhân tuần đường không tốn nhiều sức so với đi bộ

Người tuần đường quan sát và kiểm tra đường sắt thuận lợi, rút ngắn thời gian tuần đường so với đi bộ, công nhân tuần đường không tốn nhiều sức so với đi bộ

Được biết, ngoài việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, thời gian kiểm tra liên tục, đồng thời giảm sức lao động cho công nhân, trên thiết bị này cũng có các thiết bị phụ trợ để giám sát an toàn.

Cụ thể, thiết bị có giá đỡ để điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng giám sát hành trình tuần đường, để theo dõi hành trình, tốc độ, vị trí của người tuần đường qua bản đồ số đường sắt quốc gia. Thiết bị giám sát hành trình này hiện đang được ngành đường sắt triển khai áp dụng rộng rãi.

Phía trước giá để điện thoại có gắn camera hành trình tương tự như camera giám sát hành trình lắp trên ô tô, để ghi lại hình ảnh về đường sắt, hành lang ATGT đường sắt trong suốt hành trình thực hiện nhiệm vụ tuần đường.

Thiết bị có trọng lượng khoảng 37kg nên người công nhân tuần đường có thể di chuyển ra khỏi khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc trên đường sắt nhanh, chỉ khoảng 20 giây nên đảm bảo an toàn khi có tàu.

“Thiết bị hiện mới được vận hành thử nghiệm trên các khu gian tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Mai Pha - Na Dương, chưa được sử dụng trong công tác tuần đường sắt. Để được áp dụng rộng rãi, sẽ cần các bước triển khai tiếp theo. Hơn nữa, việc áp dụng còn tùy thuộc đặc điểm chạy tàu từng tuyến, khu đoạn. Chúng tôi sẽ tính toán, đề xuất áp dụng trên các tuyến đường sắt phù hợp, không phải toàn mạng lưới”, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho hay.

Kỳ Nam

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/giam-sat-chat-an-toan-duong-sat-nho-thiet-bi-ho-tro-tuan-duong-d583817.html