Giám sát chặt chẽ người bệnh có triệu chứng giống nhiễm bệnh do vi-rút E-bô-la

Ngày 12-8, Bộ Y tế tổ chức họp báo về tình hình dịch bệnh do vi-rút E-bô-la. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 12-8 tại bốn nước, gồm: Ghi-nê, Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ni-giê-ri-a đã ghi nhận tổng cộng 1.848 trường hợp mắc, trong đó có 1.013 trường hợp chết do vi-rút E-bô-la. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, số trường hợp mắc và chết tại bốn quốc gia nói trên sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới; đồng thời đưa ra cảnh báo, vì hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, hay phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh do vi-rút E-bô-la.

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu cho biết: Bên cạnh việc thực hiện giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu quốc tế như đường không, đường thủy, đường bộ đối với khách đến từ các nước có dịch bệnh và đi qua các nước thuộc khu vực nói trên, Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở đối với các trường hợp chưa rõ nguyên nhân, những người có triệu chứng giống nhiễm bệnh do vi-rút E-bô-la và có tiền sử về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện; phòng ngừa lây nhiễm cho cán bộ y tế; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế trong việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển theo tiêu chuẩn quốc tế đối với vi-rút E-bô-la...

Ngoài sáu bệnh viện được chỉ định thiết lập khu vực cách ly để tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ để điều trị, kiểm soát, hạn chế lây lan và chết do nhiễm vi-rút E-bô-la, Bộ Y tế cũng sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng tại cộng đồng. Ðối với các trường hợp, sau khi xét nghiệm xác định nhiễm bệnh do vi-rút E-bô-la sẽ được miễn phí trong quá trình điều trị tại các cơ sở y tế...

Bộ Y tế cũng đề nghị và mong muốn mỗi người dân, tổ chức doanh nghiệp, nhất là các cơ quan truyền thông cùng chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu biết rõ hơn về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực và chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh do vi-rút E-bô-la.

* Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch và tập huấn hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh do vi-rút E-bô-la; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi-rút E-bô-la cho cán bộ y tế đang làm việc tại bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng thuộc các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

* Ngày 12-8, đoàn công tác của Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm việc với Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất và kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Về các biện pháp ứng phó dịch bệnh do vi-rút E-bô-la có nguy cơ xâm nhập, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố cho biết, khi phát hiện hành khách sốt cao trên 38 độ C thì sẽ cách ly ngay để kiểm tra lâm sàng. Về dịch tễ nếu nghi ngờ hành khách nào trở về từ vùng có dịch thì xe cấp cứu của y tế sẽ vào tận nơi chuyển hành khách về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Mỗi trường hợp sẽ được điều trị riêng trong một phòng cách ly với đầy đủ thuốc men. Khu vực người bệnh sau điều trị cũng phải tẩy trùng nghiêm ngặt, chống lây lan cho nhân viên y tế cũng như môi trường chung quanh...

Ngành du lịch khẩn trương phòng ngừa dịch bệnh do vi-rút E-bô-la

Ngày 9-8-2014, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) Hoàng Tuấn Anh đã có Công điện đề nghị: Tổng cục Du lịch; UBND; Sở VH-TT và DL) các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội: Du lịch Việt Nam, Lữ hành Việt Nam, Khách sạn Việt Nam, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long thực hiện ngay việc phòng, chống dịch bệnh do vi-rút E-bô-la nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan truyền qua đường du lịch, bảo đảm an toàn, sức khỏe của du khách và người lao động trong ngành du lịch.

Công điện yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong toàn ngành không đưa khách du lịch đến các quốc gia đang bùng phát dịch bệnh E-bô-la. Khi đón khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định. Các khách sạn, cơ sở lưu trú cần có phương án phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên theo dõi sức khỏe của khách lưu trú, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để phòng, chống dịch bệnh cho khách du lịch, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng về những dấu hiệu bất thường liên quan dịch bệnh, có phương án cách ly khách du lịch trong trường hợp phát hiện nghi vấn liên quan dịch bệnh.

Tổng cục Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi-rút E-bô-la trong ngành; thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp về tình hình dịch bệnh, tăng cường quan tâm đến sức khỏe của du khách, thông tin đầy đủ cho khách du lịch về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh E-bô-la theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ðề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở VH-TT và DL phối hợp các sở, ban, ngành chức năng kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp du lịch theo chỉ đạo của Bộ VH-TT và DL và của Tổng cục Du lịch về các biện pháp ứng phó dịch bệnh, đồng thời xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh do vi-rút E-bô-la cho ngành du lịch địa phương.

Các đơn vị trong ngành du lịch cần thông tin đầy đủ đến cán bộ công chức, người lao động có nhận thức đúng về nguy cơ tiềm tàng của dịch bệnh E-bô-la đối với hoạt động du lịch của Việt Nam trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý du lịch, các hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp trong toàn ngành thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua website của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng (vncdc.gov.vn) và thông tin chỉ đạo, điều hành của Bộ VH-TT và DL thông qua Cổng thông tin điện tử của bộ và của Tổng cục Du lịch.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/24031202-giam-sat-chat-che-nguoi-benh-co-trieu-chung-giong-nhiem-benh-do-vi-rut-e-bo-la.html