Giám sát có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi, đến chốn

Chiều 14.3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến 1.7.2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo về nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó Trưởng Đoàn giám sát, cho biết, tính đến ngày 11.3, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố và một báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. Tuy báo cáo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương nhìn chung đều bám sát đề cương, yêu cầu của Đoàn giám sát, song chất lượng báo cáo còn nhiều hạn chế, nhiều báo cáo đánh giá chung chung, không cụ thể, không rõ địa chỉ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm khách quan và thực tiễn, Đoàn giám sát dự kiến, trong thời gian tới sẽ thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang là các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai, quản lý và vận hành nhà chung cư thương mại, thực hiện chính sách đối với người có công, việc thực hiện chuyển đổi chợ dân sinh thành các Trung tâm thương mại (kể cả việc xây dựng lại chợ)…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp

Ảnh: Hồ Long

Đoàn giám sát cũng sẽ tổ chức 8 cuộc làm việc với 8 bộ, ngành: gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về một số nội dung.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Ảnh: Hồ Long

Qua thảo luận của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cùng nhiều bộ luật khác, với phạm vi rộng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần bảo đảm triển khai giám sát có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, kiến nghị xử lý những tồn tại, chấn chỉnh việc thực hiện và đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo kết quả giám sát bước đầu; ghi nhận nỗ lực của Đoàn giám sát, các thành viên và Tổ giúp việc. Tuy nhiên, các ý kiến lưu ý, Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung trong báo cáo. Qua đó, khẩn trương triển khai nhiều công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ, kết luận giám sát đạt kết quả cao nhất, nhất là chuẩn bị báo cáo bước đầu đầy đủ.

P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-sat-co-trong-tam-trong-diem-lam-den-noi-den-chon-so9bcyzvi0-80903