Giám sát công tác cải cách hành chính Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường

Sáng 10/9, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức giám sát công tác cải cách hành chính (CCHC) về đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trong 6 tháng đầu năm 2018.

Ông Nguyễn Trung Ngay - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác cải cách hành chính với HĐND tỉnh

Ông Nguyễn Trung Ngay - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác cải cách hành chính với HĐND tỉnh

Việc CCHC ở lĩnh vực đất đai được Sở TN-MT quan tâm thực hiện với nhiều chuyển biến tích cực. Để tạo thuận lợi cho người dân, Sở đã kiến nghị Trung ương đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và UBND cấp huyện.

Ngoài ra, Sở cũng triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong đơn vị. Từ đó, tránh được tình trạng cán bộ đơn vị nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân thực hiện TTHC ở lĩnh vực đất đai.

Theo Sở TN-MT, do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng hồ sơ, TTHC lĩnh vực đất đai giải quyết trễ hẹn cho người dân.

Các hạn chế về cơ sở vật chất, dữ liệu địa chính chưa hoàn thiện, chưa có mạng thông tin ngành TN-MT được kết nối từ tỉnh đến huyện là nguyên nhân gây mất nhiều thời gian giải quyết TTHC đất đai. Một số huyện, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả lĩnh vực đất đai không phải là người của Văn phòng Đăng ký đất đai mà trực thuộc quản lý của Văn phòng UBND huyện nên gây bất cập trong việc giải quyết TTHC cho người dân.

Qua giám sát, bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở TN-MT cần khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn ở các địa phương.

Thời gian tới, Sở cần phối hợp tốt với các địa phương trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh về kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tiếp nhận, xử lý TTHC để tránh tình trạng trả hồ sơ bổ sung nhiều lần, gây phiền hà cho người dân.

Cần tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện liên thông thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ cấp xã đến cấp tỉnh, trong đó người dân chỉ việc đến xã là thực hiện được thủ tục.

Chiều cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đến giám sát công tác CCHC về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trong 6 tháng đầu năm 2018.

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu trong buổi giám sát tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu trong buổi giám sát tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

6 tháng đầu năm, Sở KH-ĐT đã xử lý giải quyết gần 2.200 hồ sơ về ĐKDN. Sở đã rút ngắn thời gian thực hiện ĐKDN từ 1 - 5 ngày so với quy định, từ đó tạo sự đồng thuận cao cho các tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC.

Việc thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung ứng các dịch vụ công ứng và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Sở KH-ĐT cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Có hơn 500 hồ sơ ĐKDN thực hiện qua mạng điện tử, tăng hơn 460 hồ sơ so cùng kỳ năm 2017. Hồ sơ ĐKDN được trả qua đường bưu điện tăng hơn 12% so cùng kỳ 2017.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, Sở KH-ĐT cần quan tâm kiến nghị, đề xuất với Bộ KH-ĐT thực hiện phần mềm quản lý kinh doanh cho cấp huyện.

Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh thực hiện ứng dụng phần mềm điện tử về đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện. Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đăng ký hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; quan tâm tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ, thủ tục về đăng ký kinh doanh cấp huyện để tạo sự hài lòng cho người dân.

Phú Thuận

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe19043d/giam_sat_cong_tac_cai_cach_hanh_chinh_so_ke_hoach_va_dau_tu_tai_nguyen_va_moi_truong_.aspx