Giám sát của Quốc hội không phải để 'bới lông tìm vết'

Giám sát không phải việc đi 'bới lông tìm vết' mà là để thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn, và nếu có phát hiện sai phạm thì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Đổi mới hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân là một trong 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.

Với nhiều đổi mới trong cách thức triển khai, công tác giám sát của Quốc hội đã tạo chuyển biến tích cực ngay trong quá trình giám sát, như phương châm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh "Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản...".

Những khó khăn, vướng mắc, những yếu kém và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước luôn được nhận diện thẳng thắn, phân tích đa chiều, nhiều góc cạnh trong phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Sự tương tác giữa câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, tranh luận đi đến cùng vấn đề làm bật sáng giải pháp.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Năm 2022, với yêu cầu của tình hình thực tiễn, Quốc hội đã lựa chọn chất vấn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong các lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng, giao thông vận tải, xây dựng, nội vụ, thông tin - truyền thông và thanh tra.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng: "Câu hỏi chất vấn ngày càng trúng vấn đề hơn. Phần trả lời của các Bộ trưởng và của Chính phủ không né tránh, không vòng vo."

Còn đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng nhận định: "Một bầu không khí rất sôi nổi, thẳng thắn, tập trung từ khâu chỉ đạo cũng như ý kiến của người hỏi và trả lời với thái độ thẳng thắn."

Cảm nhận của đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cũng là suy nghĩ của nhiều đại biểu về các phiên chất vấn.

Thành công của mỗi phiên chất vấn không phải chỉ ở những câu hỏi trực diện, truy vấn trách nhiệm, ở những câu trả lời thuộc bài, hiểu ngành, lĩnh vực, thẳng thắn, cầu thị, thậm chí không né tránh nhận lỗi của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Thành công hơn cả là người chất vấn và trả lời chất vấn đều chung một tinh thần xây dựng để tìm giải pháp cho những vấn đề quản lý nhà nước đã, đang và sẽ đặt ra.

Nếu như tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu quốc hội và các bộ trưởng, thành viên chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng, nói đúng về các bất cập từ thực tiễn để đưa ra những giải pháp kịp thời, thì việc lựa chọn các chuyên đề giám sát giúp tìm hiểu sâu hơn tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong từng lĩnh vực của quản lý nhà nước. Cuộc giám sát của Quốc hội về tình trạng lãng phí tại 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 là một ví dụ cụ thể.

Sau cuộc giám sát của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra 2 dự án này và yêu cầu thành lập Tổ công tác đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án và đề xuất giải pháp cụ thể. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhận định, đây chính là cách làm mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, “vừa xây vừa chống” với việc xác định rõ địa chỉ và trách nhiệm của những tồn tại.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: "Đoàn giám sát của Quốc hội họp và có ý kiến. Sau đó lập tức Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn đi về để giải quyết. Điều đó cho thấy tác dụng của công tác giám sát của Quốc hội."

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Trong năm 2022, 4 chuyên đề đã được thực hiện giám sát, đó là: công tác quy hoạch, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tinh thần 5T: sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao được thể hiện rõ trong các chuyên đề giám sát.

Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo một số cơ quan có liên quan. Nếu như trước đây, Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tiến hành giám sát ở các địa phương mà Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đến tiến hành giám sát trực tiếp thì bây giờ, các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với tất cả chuyên đề.

Những tồn tại hạn chế được thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, những quy định chính sách được đồng bộ, thống nhất, và cả những cách làm sai trái được chỉ ra để quy trách nhiệm, xử lý… Đơn cử như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, chuyên đề giám sát này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Bởi lẽ, giám sát không phải việc đi "bới lông tìm vết" mà là để thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn, và nếu có phát hiện sai phạm thì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Đánh giá chất lượng là thông qua ý kiến cử tri nhân dân. Như vậy dựa vào kết quả giám sát để chúng ta đánh giá lại, đánh giá được chất lượng, trách nhiệm của cán bộ, đạc biệt những người đứng đầu trong công tác tiếp dân."

Thước đo hiệu quả hoạt động của Quốc hội đó chính là sự hài lòng và niềm tin của cử tri. Và cử tri- những người luôn theo dõi sát sao những hoạt động của Quốc hội, đánh giá hoạt động giám sát của Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm.

Những đổi mới của giám sát đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay; giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng, giữa xây và chống thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để và cấp bách. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển. Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình. Do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi ĐBQH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV."

Khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong công tác giám sát của Quốc hội không những nhắc nhớ từng đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội ý thức cao hơn trách nhiệm của mình. Giám sát để “xây” những điều tốt đẹp, vì mục tiêu kiến tạo, phát triển cần sự tận tâm, bản lĩnh và quyết tâm đeo đuổi đấu tranh vì lợi ích chung của cử tri và nhân dân, lợi ích chung của đất nước./.

Thu Huyền - Vân Hồng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/giam-sat-cua-quoc-hoi-khong-phai-de-boi-long-tim-vet-post993688.vov