Giám sát đầu tư của cộng đồng vì lợi ích người dân

Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư, góp phần ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham nhũng tiêu cực, được người dân đồng tình ủng hộ.

Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Thị Vân Anh (bìa trái) trao đổi với các thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác của ban này năm 2024. Ảnh: THÚY HẰNG

Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Thị Vân Anh (bìa trái) trao đổi với các thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác của ban này năm 2024. Ảnh: THÚY HẰNG

Công trình ở đâu giám sát ở đó

Từ đầu năm đến nay, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) xã Hòa Đồng đã giám sát 4 công trình, gồm bê tông hóa kênh mương nội đồng ở thôn Mỹ Thuận Ngoài 670m; bê tông giao thông nông thôn đoạn từ cầu xã Mười đến xóm Lê, thôn Phú Diễn Trong 730m; 8 phòng học Trường tiểu học Hòa Đồng và nhà thi đấu đa năng Trường THCS Nguyễn Thị Định.

Ông Trần Bá Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Đồng cho biết: Công trình ở đâu thì lập ban GSĐTCCĐ ở đó. Mỗi ban có từ 5-7 thành viên là cán bộ MTTQ, cán bộ các đoàn thể ở cơ sở, bí thư, trưởng thôn, người có trình độ, uy tín ở địa phương được người dân lựa chọn, tín nhiệm bầu tham gia.

Mục đích của hoạt động GSĐTCCĐ là để đảm bảo các chương trình, dự án, công trình xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng.

“Với mục đích đó, khi các công trình khởi công, ban GSÐTCCÐ đã phân công thành viên thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát việc sử dụng vật liệu, chất lượng cát, sỏi, xi măng, độ dày bê tông mặt đường, quá trình thi công… đảm bảo tiêu chuẩn đúng thiết kế kỹ thuật; kịp thời thông báo tới người dân”, ông Hòa nói.

12 năm làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) cũng là ngần ấy thời gian bà Nay Hờ Kri làm Trưởng ban GSÐTCCÐ của xã. Bà Nay Hờ Kri cho hay: Với mỗi công trình trước khi được khởi công, Ủy ban MTTQ xã ra quyết định thành lập ban GSĐTCCĐ. Trên cơ sở đó, ban công tác mặt trận các khu dân cư rà soát, lựa chọn những cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về xây dựng cơ bản tham gia ban giám sát.

Trong quá trình thi công, các thành viên trong ban phân công luân phiên theo dõi kiểm tra vật liệu đầu vào, chủng loại, số lượng, giám sát việc thi công tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật. Nếu công trình nào có dấu hiệu thi công sai sót, bớt xén vật tư..., ban kiến nghị trực tiếp với đơn vị thi công hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc theo thiết kế.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, các ban GSĐTCCĐ ở xã, phường, thị trấn thực hiện giám sát nhiều việc, như đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; tác động môi trường; giám sát việc quản lý thi công, vận hành, nghiệm thu bàn giao công trình… “Công việc giám sát được thực hiện thường xuyên, có khi giám sát đột xuất để chỉ ra các tồn tại hạn chế; ban phối kết hợp với UBND xã cùng đội thi công để khắc phục, làm sao các công trình đều đảm bảo chất lượng, người dân được hưởng lợi”, ông Trần Bá Hòa nói.

Phát huy dân chủ ở cơ sở

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác ban thanh tra nhân dân và ban GSĐTCCĐ năm 2024 vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh rằng, hoạt động GSĐTCCĐ là một hình thức phát huy dân chủ ở cơ sở vì lợi ích của người dân. Hoạt động này tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Ðặc biệt là huy động được người dân tham gia làm “tai - mắt”, giám sát công trình mà chính họ được thụ hưởng, góp phần phát huy tinh thần tự quản, trách nhiệm với cộng đồng của người dân. Những kiến nghị sau giám sát là tiếng nói từ cơ sở, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được ban chuyển tải đến các cấp, ngành, tạo cầu nối tin cậy giữa Nhân dân với Ðảng và chính quyền cơ sở.

Hiện mạng lưới ban GSĐTCCĐ được củng cố, kiện toàn ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Là thành viên của Ban GSĐTCCĐ xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), Ma Ngứ, người uy tín của buôn Bá cho hay: Vừa qua tôi tham gia giám sát 2 tuyến đường nội đồng Suối Đá và Thông Nhen; công trình nâng cấp Nhà sinh hoạt văn hóa buôn Bá. Dù các công trình không có sai phạm, nhưng giám sát là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm các dự án được triển khai có hiệu quả, đúng mục đích.

Ban GSĐTCCĐ đóng vai trò rất quan trọng ở địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, hoạt động GSĐTCCĐ là một hình thức phát huy dân chủ ở cơ sở vì lợi ích của người dân.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục chú trọng việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của các ban GSĐTCCĐ. Bên cạnh việc thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia, MTTQ các cấp cần chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ công tác giám sát để các ban GSĐTCCĐ hoạt động hiệu quả.

Mặt khác, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia hoạt động giám sát, nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/316942/giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-vi-loi-ich-nguoi-dan.html