GIÁM SÁT GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI: NGÀY CÀNG DÂN CHỦ, MINH BẠCH

Cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH, đa số ý kiến của UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo, đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Dân nguyện và cho rằng việc giám sát các kiến nghị của cử tri đã được UBTVQH rất quan tâm, đi vào nề nếp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN CÁC BÁO CÁO LIÊN QUAN ĐẾN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Đến nay, 99,8 % kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình

Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Cử tri hoan nghênh và rất đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ đem lại hiệu quả toàn diện trong hoạt động của Quốc hội thời gian vừa qua, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Quốc hội đã không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng kịp thời với mục tiêu đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu.

Một số vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị. Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu KNCT khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời KNCT rõ ràng. Đối với những KNCT chưa thể giải quyết được ngay, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015…

Đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình các kiến nghị của cử tri

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT là chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, còn gặp một số hạn chế, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay KNCT vẫn chưa được giải quyết.

Thứ hai, một số KNCT đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Thứ ba, một số KNCT chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ.

Thứ tư, một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.

Từ những hạn chế nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành và thực hiện văn bản QPPL, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Việc giám sát các kiến nghị của cử tri được UBTVQH quan tâm và đi vào nề nếp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo và đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Dân nguyện về Báo cáo kết quả giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quan tâm đến nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hai năm nay chúng ta thực hiện rất nề nếp và đều đánh giá chất lượng của công tác dân nguyện và việc giám sát các kiến nghị của cử tri đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm, đi vào nề nếp.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh mong rằng, tại Kỳ họp tới, trong báo cáo, nhất là Báo cáo kết quả giám sát về kiến nghị của cử tri cần nêu bật lên được nội dung là: Trong thời gian dài thực hiện nề nếp như vậy thì lĩnh vực nào đã có sự chuyển biến tích cực, chúng ta đã giải quyết được những câu chuyện gì để nói lên vai trò và mảng hoạt động của Quốc hội về vấn đề dân nguyện, trong đó có giám sát kiến nghị của cử tri đã có hiệu lực, hiệu quả như thế nào.

“Chúng ta cứ báo cáo kỳ nào cũng đánh giá chất lượng nhưng thực tế cần đi vào cụ thể chất lượng ở khâu nào, nội dung nào, cơ quan nào, lĩnh vực nào, trong quá trình giám sát đã giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước hoặc so với kỳ trước báo cáo ở điểm nào”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phân tích thêm. Đồng thời mong muốn Báo cáo kết quả giám sát kiến nghị của cử tri có sức nặng hơn để phản ánh được hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực này.

Trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 cũng như báo cáo về công tác dân nguyện tháng 4, cố gắng nêu bật kết quả trong đổi mới công tác dân nguyện hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trước các kỳ họp. Điều này góp phần giải quyết được nhiều ý kiến, kiến nghị cử tri, hạn chế các đoàn đông người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc trả lời của các cơ quan từng bước đã có những tiến bộ, đó là không chỉ trả lời theo văn bản quy định pháp luật mà trả lời cả trách nhiệm, tình cảm của mình trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trách nhiệm đến đâu, làm đến đâu, hiện nay còn vướng gì thì từng bước khắc phục và các hoạt động giám sát của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc, ban, bộ, ngành trung ương đã có tác động tích cực cả về nhận thức. Trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan, các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của cả địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, các bộ, ban, ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện Báo cáo để sớm trình Quốc hội./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75676