Giám sát hoạt động sơ chế, chế biến nông sản

Thực hiện giám sát, kiểm tra trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống camera để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước 24/24 giờ, từ năm 2021 đến nay, tình trạng xả nước thải từ hoạt động chế biến nông sản chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, niên vụ 2023-2024, toàn tỉnh sơ chế gần 32.500 tấn cà phê nhân; trên 696.000 tấn mía; gần 532.000 tấn sắn, trên 34.600 tấn dong riềng. Toàn tỉnh có 1.648 cơ sở chế biến nông sản, trong đó, 6 cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung cà phê và tinh bột sắn.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Sở TN&MT chủ động rà soát, phân loại các cơ sở đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường theo 3 loại: Cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động; cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; cơ sở có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, để tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm.

Kiểm tra hệ thống thu gom nước thải tại Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Kiểm tra hệ thống thu gom nước thải tại Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.

Tại huyện Mai Sơn, niên vụ 2023-2024, có 145 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ngay từ đầu niên vụ, huyện tổ chức hội nghị ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023; kiện toàn đoàn liên ngành; chỉ đạo UBND cấp xã ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý.

Đứng chân trên địa bàn xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thu mua, sơ chế, chế biến cà phê phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Niên vụ 2023-2024, Công ty dự kiến thu mua 15.000-18.000 tấn cà phê quả tươi, 4.000 tấn nhân của 1.500 hộ, quy mô 1.900 ha vùng trồng cà phê chất lượng cao, đặc sản, cà phê trồng theo tiêu chuẩn RA. Công ty đã hoàn thiện dây chuyền chế biến trà từ vỏ cà phê.

Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông tin: Trước khi vào vụ sản xuất năm nay, Sở TN&MT đã kiểm tra, đánh giá đối với Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. Qua kiểm tra, cơ sở tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để hoạt động chế biến cà phê.

Đối với các cơ sở sơ chế nông sản còn lại ở huyện Mai Sơn, qua kiểm tra, giám sát của huyện, đa số các hộ chưa thực hiện sơ chế cà phê; một số hộ được xác nhận thủ tục môi trường, đầu tư hố thu gom, xử lý và lưu chứa nước thải tại xã Chiềng Ban, Chiềng Mung có thu mua cà phê và sơ chế nhưng không thường xuyên; một số hộ sơ chế sản lượng cà phê của gia đình, cơ bản nước thải được thu gom, xử lý, lưu chứa tại các hồ chứa; chưa phát hiện trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

Huyện Thuận Châu có 10 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê. Các cơ sở lắp đặt hệ thống camera giám sát kết nối về Phòng TN&MT huyện để theo dõi và có hệ thống bể chứa, thu gom và xử lý nước thải sản xuất theo quy định. Ngày 4/10, Đoàn khảo sát của Sở TN&MT khảo sát đánh giá hiện trạng các công trình bảo vệ môi trường, các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất chế biến cà phê tại xưởng chế biến tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, hoạt động thu mua và chế biến cà phê tươi từ ngày 20/9, trung bình 1-2 tấn quả tươi/ngày. Qua kiểm tra, Đoàn khảo sát yêu cầu công ty chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu; xưởng chế biến tiếp tục thực hiện truyền dữ liệu camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải về Sở TN&MT, UBND huyện Thuận Châu để thực hiện kiểm tra, giám sát.

Nhiều giải pháp đã được các sở, ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố triển khai, thực hiện để nâng cao chất lượng giám sát hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn theo hướng phòng từ xa, từ sớm. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tích cực tham gia tố giác, phát giác những hành vi gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết không để cơ sở chưa có giải pháp về bảo vệ môi trường trong sơ chế nông sản được hoạt động.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/moi-truong/giam-sat-hoat-dong-so-che-che-bien-nong-san-AKiHVqVIg.html