Giám sát phải trên tinh thần xây dựng, không gây sách nhiễu, phiền hà
Tại Hội nghị trực tuyến sáng nay 4/11 về việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2022, sau phần thảo luận của các đại biểu tại các điểm cầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu kết luận và lưu ý một số nội dung.
Các vấn đề cần giám sát rất đúng và trúng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội nghị đã thống nhất được nhận thức và hành động thì mới có thể tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn với những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nói chung trong quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong 4 chuyên đề giám sát cụ thể của năm 2022.
Hội nghị đã nghe 14 ý kiến tham luận và phát biểu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành… Các ý kiến tuy ngắn gọn nhưng đã đi thẳng vào vấn đề về nội dung và có nhiều kiến nghị, đề xuất rất xác đáng.
Tóm lược một số nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến tham luận và phát biểu đều đồng tình, đánh giá cao các kế hoạch chi tiết và sáng kiến tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc; cho rằng, có nhiều đổi mới, chất lượng chuẩn bị các kế hoạch chi tiết của các chuyên đề rất kỹ lưỡng, rất là trúng. Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành đều cho rằng các chuyên đề giám sát lần này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định đều rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng.
Đơn cử như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm lâu nay thì mảng thứ hai hết sức quan trọng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hay với công tác dân nguyện, tất cả quyết sách chúng ta đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm nên phải hết sức chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị. Quốc hội cũng có trách nhiệm trong vấn đề này, ngoài Ban Dân nguyện thì Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng nhiệm vụ này chứ không phải chỉ có Chính phủ, các bộ, ngành hoặc các cơ quan khác ở địa phương. Do đó, chọn các vấn đề này để giám sát là rất đúng, rất trúng.
Hay vấn đề quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là rất mới, rất khó. Trước đây, khi làm luật thì nói tích hợp quy hoạch nhưng bây giờ lại thành quy hoạch tích hợp, không biết cái nào có trước, cái nào có sau. Quốc hội đang xem xét quy hoạch quốc gia về sử dụng đất đai thì đáng lẽ phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia trước mới có căn cứ để lập quy hoạch về sử dụng đất quốc gia. Nhưng bây giờ chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia nên phải làm song song, đồng thời; quy hoạch nào trước thì phê chuẩn trước, quy hoạch nào xong sau thì phê chuẩn sau.
Khi phê chuẩn xong mới tích hợp lại xem nếu không phù hợp thì điều chỉnh lại. Đây là việc rất khó. Quy hoạch sử dụng đất đai đã sử dụng tối đa các dữ liệu rồi nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch vùng huyện. Luật Quy hoạch ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay việc triển khai xây dựng các quy hoạch rất chậm, trong khi quy hoạch phải đi trước một bước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập các Đoàn giám sát, bao gồm cả các thành viên khác là chuyên gia và đại diện các cơ quan hữu quan. Vì vậy đề nghị các đồng chí Trưởng đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hoạt động giám sát và các quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây có tình trạng một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban có thể tham gia 2 - 3 đoàn giám sát, nhưng lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cử 1 đồng chí chỉ tham gia duy nhất một Đoàn để tập trung thực hiện nhiệm vụ. Các đồng chí cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, phải nghe bằng nhiều kênh, nhiều tai, trung thực, khách quan. Đồng thời, phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà đến đơn vị, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây cũng là vấn đề mà các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhắc nhở nhiều lần, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội quán triệt: Quốc hội làm việc trên tinh thần xây dựng, nên các thành viên cũng như Trưởng, Phó Đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng phát hiện từ dưới cơ sở bằng “con voi” nhưng gọt giũa dần khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sự việc đã không còn gì nữa.
Mặt khác, cũng cần phát huy những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; chứ không phải giám sát chỉ để tìm ra những khuyết điểm, sai phạm . Phải đánh giá công bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với những nghi vấn đề liên quan đến quản lý và bảo mật thông tin cũng hết sức chú ý, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”; những số liệu, nội dung, vấn đề đang trong quá trình bàn, nhất là liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân thì phải hết sức cẩn trọng. Chúng tôi tin là việc này chúng ta đã làm rất tốt thì tới đây sẽ làm tốt hơn.
Làm việc trên tinh thần xây dựng
Liên quan đến công tác giám sát của các Đoàn ĐBQH và một số cơ quan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Hội đồng Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội, đây là hai chủ thể độc lập khác nhau, có chức năng, nhiệm vụ được điều chỉnh bởi các khung khổ pháp lý khác nhau. Cho nên, về nguyên tắc, Đoàn ĐBQH và HĐND có ý kiến độc lập và có kế hoạch tham gia Đoàn giám sát theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH và HĐND phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
Đối với từng Bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương, địa phương, cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, vấn đề liên quan; cung cấp thông tin; phải phối hợp rất tốt thì mới làm tốt được.
Đối với Kiểm toán nhà nước, đề nghị sớm triển khai lập các báo cáo tổng hợp và cung cấp các báo cáo chuyên đề cho kiểm toán, cho các đoàn giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn giam sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh thường xuyên có giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch cũng như những mục tiêu trọng điểm vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề mà cần phải mở rộng, đi sâu hơn.
Các Đoàn giám sát kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh thường xuyên có giao ban nội bộ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch cũng như những mục tiêu trọng điểm vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề mà cần phải mở rộng, đi sâu hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí, bao gồm các cơ quan báo chí của Quốc hội và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia sâu rộng vào quá trình giám sát của Quốc hội, kể cả thông tin truyền thông, cung cấp thông tin liên quan đến các chủ đề này. Báo chí là kênh rất có giá trị, một mặt cung cấp thông tin, truyền thông về hoạt động giám sát nhưng mặt khác cũng cung cấp, phản ánh thông tin về những nơi, những địa điểm mà các Đoàn giám sát có thể phải có tổ chức giám sát trực tiếp ngoài giám sát tổng hợp.