Giám sát phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại huyện Nậm Pồ

Hôm nay (30/9), Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát 'Việc triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Điện Biên' tại xã Phìn Hồ và xã Nậm Tin huyện Nậm Pồ. Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát làm việc tại xã Phìn Hồ.

Đoàn giám sát làm việc tại xã Phìn Hồ.

Qua giám sát cho thấy các xã Phìn Hồ, Nậm Tin, huyện Nậm Pồ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Các xã đã duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ theo kế hoạch UBND huyện Nậm Pồ đề ra.

Giai đoạn 2021-2023, xã Phìn Hồ duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. 100% giáo viên các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn trình độ đào tạo và được đánh giá, xếp loại đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp.

Giai đoạn 2021-2023, xã Nậm Tin duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Năm 2021, 2022 xã đã duy trì chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 và năm 2023 xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. 100% giáo viên cấp mầm non, 97,1% giáo viên cấp tiểu học, 100% giáo viên cấp THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo. 100% giáo viên các cấp trên địa bàn xã được đánh giá, xếp loại đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với xã Nậm Tin.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với xã Nậm Tin.

Qua giám sát cho thấy đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới hiện nay. Cơ sở vật chất các phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học được quan tâm, cơ bản đảm bảo điều kiện dạy và học.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn hai xã còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống phòng học chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, bếp ăn, nhà vệ sinh... chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số chỉ tiêu phổ cập giáo dục THCS tại xã Phìn Hồ đạt thấp như tỷ lệ huy động trẻ 15 tuổi vào lớp 10 chỉ đạt 32,9%, tỷ lệ huy động trẻ từ 15-18 tuổi học THPT và tương đương chỉ đạt 66,22%.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông DTBT THCS xã Nậm Tin.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường Phổ thông DTBT THCS xã Nậm Tin.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị xã Phìn Hồ và xã Nậm Tin báo cáo làm rõ một số nội dung như: việc kiện toàn và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trên địa bàn; kết quả phân luồng học sinh sau THCS; việc trang bị, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn...

Chia sẻ với những khó khăn của hai xã, đồng chí Mùa A Vảng, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Phìn Hồ và Nậm Tin đều là xã đặc biệt khó khăn, việc quan tâm của gia đình đối với việc học tập của con em mình có phần hạn chế, để duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ phụ thuộc rất lớn vào nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như chính quyền địa phương. Đồng chí đề nghị Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ xã cần tăng cường hiệu quả hoạt động, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sát cánh cùng các nhà trường để chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn được bền vững. Đối với những khó khăn về cơ sở vật chất, đề nghị huyện Nậm Pồ quan tâm, bố trí kinh phí để đầu tư kiên cố hóa các phòng học, phòng ở bán trú, đầu tư xây dựng bếp ăn cho học sinh. Đối với những trường ở sát đồi, bờ suối, các xã cần tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ rủi do về sạt lở đất, lũ lụt, nếu có nguy cơ cần đề xuất với huyện để di dời, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218479/giam-sat-pho-cap-giao-duc-xoa-mu-chu-tai-huyen-nam-po