GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: NHÀ Ở SINH VIÊN DỞ DANG, NHÀ TÁI ĐỊNH CƯ BỎ HOANG

Trong khi nhiều người thiếu nhà ở thì vẫn còn những dự án nhà ở dành cho sinh viên dở dang, nhà tái định cư bị bỏ hoang. Đây là vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đề cập tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thất thoát, lãng phí từ khâu xây dựng chính sách

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Lượng hóa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) là một ví dụ điển hình về việc sử dụng lãng phí nguồn lực từ kinh tế ngân sách hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ đầu tư cho xây dựng cơ bản phục vụ nhu cầu nhà ở cấp thiết cho học sinh, sinh viên.

Dự án được khởi công từ năm 2009 xây dựng trên diện tích 40.000 m2 trong khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp. Tổng kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng, với quy mô 6 tòa nhà cao tầng, sức chứa 22 nghìn sinh viên, dự kiến đi vào hoạt động năm 2011.

Thế nhưng đến nay, dự án mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 tòa nhà, nhưng hầu như bị bỏ không, trong khi đó hàng nghìn sinh viên vẫn phải thuê phòng trọ với mức giá cao gấp nhiều lần so với mức giá 205.000 đồng/người/tháng. Hiện vẫn còn 3 tòa chung cư mới hoàn thành phần thô đang bị bỏ không và trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, lãng phí ngân sách nhà nước. Năm 2020, do tỷ lệ sinh viên ở thấp nên tòa nhà được thành phố Hà Nội trưng dụng làm cơ sở điều trị tập trung bệnh nhân Covid-19 sau đó đóng cửa đến thời điểm này.

Biến động giá, tầm nhìn và quy hoạch hạn chế được cho là những nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai và sự lãng phí về đất đai, ngân sách nhà nước sau hơn 10 năm qua là không hề nhỏ.

Sau hơn 10 năm, dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp chưa hòa thành.

Sau hơn 10 năm, dự án nhà ở cho sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp chưa hòa thành.

Báo cáo của Bộ Xây dựng với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, cả nước hiện có 95 dự án nhà ở cho sinh viên. Trong đó, 8/95 dự án mới hoàn thành được một phàn hoặc dừng thi công; 6 dự án mới hoàn thành một phần các hạng mục đã khởi công (dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, Hà Nội; dự án ký túc xá tập trung thành phố Đà Nẵng; dự án nhà ở sinh viên tại thành phố Thanh Hóa; dự án khu nhà ở sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Nghệ an; dự án khu nhà ở sinh viên Vinh Trung, tỉnh Nghệ An; dự án ký túc xá tập trung thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); 2 dự án dừng triển khai do không có nguồn vốn bố trí (dự án ký túc xá sinh viên cụm trường tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương; dự án ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình).

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, một số dự án gặp vướng mắc trong việc nhận phân bổ và giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên bị thu hồi một phần hoặc ngừng cấp vốn. Cụ thể dự án nhà ở sinh viên tại thành phố Thanh Hóa sau khi được phê duyệt danh mục và phân bổ vốn, tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh, bổ sung mở rộng quy mô dự án nên không được bổ sung thêm vốn trái phiếu Chính phủ; một số dự án chậm triển khai việc giải ngân dẫn đến bị thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ; một số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có sinh viên vào ở hoặc tỷ lệ sinh viên vào ở chưa cao, gây lãng phí nguồn lực; một số dự án trong quá trình quản lý, sử dụng chưa tốt dẫn đến chất lượng công trình xuống cấp, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Tình trạng lãng phí không chỉ xảy ra tại các dự án nhà ở cho sinh viên, mà còn diễn ra phổ biến tại các dự án nhà ở tái định cư. Đó là ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng.

Báo cáo của Bộ Xây dựng với Đoàn giám sát cho thấy, qua báo cáo của 40 tỉnh, thành phố cho thấy có khoảng 43.000 căn nhà ở phục vụ tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, pháp luật chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở tái định cư nên các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trong đó, Luật Nhà ở quy định về hình thức đặt hang nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, nhưng cơ chế áp dụng cụ thể cho hình thức này vẫn chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân là người dân không còn nhu cầu tái định cư, nhà ở tái định cư xuống cấp, không bảo đảm chất lượng. Công tác tái định cư chủ yếu để người dân có chỗ ở, chưa quan tâm đến không gian sống và các chính sách an sinh xã hội tiếp theo, như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm và phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời. Nhiều dự án hình thành từ trước khi có quy định về đóng kinh phí bảo trì, thành lập Ban quản trị, quản lý vận hành.., nên hiện nay nhiều nhà tái định cư không thể tiếp tục sử dụng, việc yêu cầu người dân đóng các khoản phí liên quan đến quản lý, vận hành, bảo trì khó khăn…

Dự án tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng, Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm.

Dự án tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng, Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm.

Sốt ruột trước tình trạng ngân sách Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân – thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng nhiều dự án ký túc xá sinh viên đã gây lãng phí nguồn lực . Theo báo cáo đến nay còn 8/95 dự án mới hoàn thành một phần hoặc dừng thi công, tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Xây dựng chưa nêu rõ danh mục của từng dự án, chủ đầu tư, ngân sách Nhà nước là bao nhiêu. Đại biểu nêu ví dụ cụ thể về dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư đã được nhiều cơ quan báo chí nêu. Dự án này đã lãng phí nguồn lực đầu tư vì chưa hoàn thành và chưa đưa vào sử dụng hết, tỷ lệ sinh viên vào ở thấp. Bên cạnh đó, dự án ký túc xá sinh viên tại Chí Linh - Hải Dương do Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư đang dừng triển khai trong khi vốn trái phiếu Chín phủ đã giải ngân 82 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, trong báo cáo của Kiểm toán có nêu các dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, đầu tư. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo rõ hơn danh mục các dự án mới hoàn thành một phần hoặc dừng thi công, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng dự án.

Trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng nhà ở tái định cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân khẳng định, qua giám sát tại Hà Nội cho thấy có tình trạng nhà tái định cư đang dư thừa, hiện có tới hàng nghìn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trong khi nhu cầu nhà ở tại các thành phố rất lớn. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Xây dựng gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội mới tổng hợp được số liệu của 40 tỉnh, thành phố, với 43.000 căn nhà tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng. Số liệu về nhà tái định cư tại 23 tỉnh, thành phố còn lại chưa có thống kê cụ thể, đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cũng đề nghị Bộ Xây dựng thống kê cụ thể số căn nhà tái định cư bỏ hoang, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

 Ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Quốc hội Khóa XIII – thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Quốc hội Khóa XIII – thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Lý giải nguyên nhân khiến việc quản lý, sử dụng khai thác nhà ở sinh viên, nhà ở vượt lũ, nhà tái định cư thời gian qua còn thất thoát, lãng phí, ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Quốc hội Khóa XIII – thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định do chính sách chưa hợp lý từ khâu quyết định chủ trương đến việc thực thi trong thực tế. Bộ Xây dựng cần đưa ra hướng xử lý như thế nào để khắc phục tình trạng nhà ở sinh viên hoang hóa, nhà ở vượt lũ bỏ không, nhà tái định cư trống vắng. Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng rà soát, có tổng kết, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp, vừa đảm bảo chính sách an sinh xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước, vừa tuân thủ cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi tới Đoàn giám sát về việc đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác nhà ở sinh viên cho thấy còn một số dự án hiệu năng sử dụng chưa cao; đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo cụ thể hơn và có giải pháp gì để điều chỉnh những tồn tại hiện nay. Đây đều là những dự án kéo dài trong nhiều năm mà chưa sử dụng hết công suất.

Tương tự, đối với công tác quản lý, sử dụng, khai thác sử dụng khu tái định cư, Bộ Xây dựng đã đánh giá tương đối đầy đủ về hiện trạng hoang hóa, chưa được lấp đầy, nhưng qua giám sát tại các địa phương thì những số liệu về tình trạng hoang hóa nhà tái định cư vẫn chưa đầy đủ. Với trách nhiệm là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng báo cáo cụ thể hơn về những phương nào để hoang hóa khu tái định cư, có tỷ lệ lấp đầy thấp, để Đoàn giám sát bổ sung vào báo cáo chung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Giải trình ý kiến thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án nhà ở sinh viên ở Chí Linh (Hải Dương) có quy mô 2 khối nhà 9 tầng, tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng, hiện mới chỉ thi công xong phần thô và hoàn thiện một phần tòa nhà và đã tạm dừng thi công từ năm 2014 đến nay. Hiện địa phương đang đề xuất Chính phủ bổ sung vốn ngân sách trung ương tiếp tục triển khai dự án.

Với dự án nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp được khởi công từ tháng 5/2006, hiện hoàn thành 5 trong tổng số 6 khối nhà, hiện hoàn thành 3/5 khối nhà ký túc xá, còn 3 khối nhà đã thi công xong phần thô và hiện đang tạm dừng triển khai, 1 khối nhà chưa triển khai do chưa giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tháng 4/2019, Chính phủ đã có báo cáo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 3 hạng mục công trình thuộc dự án nhà ở cho sinh viên tại khi đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp. Đến tháng 7/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản trả lời theo hướng thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công. Tháng 8/2020, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi theo thẩm quyền. Hiện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ theo quy trình chuyển sang nhà ở xã hội.

Để tránh thất thoát, lãng phí tại các công trình xây dựng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác nhà ở tái định cư, thời gian tới Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đối với công tác phát triển nhà ở sinh viên, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư về ngân sách trung ương đối với các dự án thi công dở dang, đồng thời không còn nhu cầu về chỗ ở sinh viên hoặc dự án sinh viên vào ở thấp (dưới 30%). Đồng thời, kiến nghị các địa phương xác định nhu cầu nhà ở tái định cư, rà soát công tác quy hoạch các khu tái định cư phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân…/.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67221