Giám sát tình hình thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Chiều nay 3/11, đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Hướng Hóa để giám sát tình hình thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018 - 2025, chiến lược đến năm 2030; khảo sát việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào DTTS; tình hình hoạt động và tác động của các dự án điện gió đến đời sống KT - XH của đồng bào DTTS trên địa bàn.

 Trưởng Ban Nội chính, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị huyện Hướng Hóa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ - Ảnh: Trần Tuyền

Trưởng Ban Nội chính, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị huyện Hướng Hóa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ - Ảnh: Trần Tuyền

Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa, toàn huyện hiện có 431 cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, có 185 cán bộ, công chức là người DTTS. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS cấp xã đã chủ động học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tỉ lệ cán bộ, công chức người DTTS đang có xu hướng giảm dần từ 52% (năm 2016) xuống còn 42,9% (năm 2022).

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa không có di tích văn hóa DTTS. Toàn huyện có 149 thôn, bản, khu phố; 127 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và 4 xã có nhà văn hóa xã. Phần lớn, các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn, bản đều đã xuống cấp, sức chứa dưới 100 người/nhà.

Qua khảo sát, có 412 nhạc cụ, gồm: cồng chiêng, khèn, sáo, trống, tù và... được lưu giữ chủ yếu tại các hộ gia đình. Nghề dệt truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô đang có nguy cơ bị mai một. Hiện chỉ còn 4 hộ lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Một số nghề truyền thống khác cũng tương tự. Toàn huyện có 755 hộ lưu giữ nghề đan lát, 99 hộ lưu giữ nghề nấu rượu men lá.

Huyện Hướng Hóa đang rà soát các điều kiện để thành lập làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống tại địa phương. Cùng với đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS từng bước được thực hiện theo nếp sống mới nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Song, đến nay trên địa bàn vẫn chưa có nghệ nhân nào được công nhận do các xã, thị trấn chưa rà soát, thống kê...

 Người DTTS huyện Hướng Hóa tổ chức tết mừng lúa mới - Ảnh: Trần Tuyền

Người DTTS huyện Hướng Hóa tổ chức tết mừng lúa mới - Ảnh: Trần Tuyền

Thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, 2 dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2019; 27 dự án đã và đang triển khai từ cuối năm 2019 đến nay (có 17 dự án đã đi vào hoạt động trước ngày 1/11/2021, 10 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện). Theo UBND huyện Hướng Hóa, các dự án đã nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông để phục vụ thi công, vận hành dự án, kết hợp phục vụ dân sinh.

Ngoài chi trả, bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng, các dự án điện gió đã hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng cho các xã còn nhiều khó khăn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, qua các đợt mưa lũ vừa qua, đất đá từ các bãi thải, bãi đào đắp thực hiện công trình điện gió đã sạt lở, vùi lấp một số diện tích ruộng nước, ao cá, hoa màu và tài sản của người dân. UBND huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp và UBND các xã, thị trấn rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng...

 Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư - Ảnh: Trần Tuyền

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 29 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư - Ảnh: Trần Tuyền

Tại buổi làm việc, UBND huyện Hướng Hóa kiến nghị tỉnh tăng thêm nguồn kinh phí đào tạo, tăng số lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên để cán bộ, công chức xã sớm đạt chuẩn theo quy định; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo mới, đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công chức là người DTTS.

Hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn về xét công nhận nghệ nhân đối với các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ và truyền bá văn hóa truyền thống của người DTTS. Phân bổ kinh phí để tái đầu tư cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện gió, đặc biệt là ở khu vực người DTTS sinh sống.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị huyện Hướng Hóa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới; khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, quan tâm ưu tiên cán bộ trẻ người DTTS có năng lực để tạo nguồn cán bộ kế cận cho cấp xã và cấp huyện trong thời gian tới.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không để bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một; quan tâm, hỗ trợ các cá nhân trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; có kế hoạch cụ thể để phục dựng các lễ hội truyền thống của người DTTS.

Rà soát những trường hợp dự án điện gió gây ảnh hưởng đến đời sống người dân để kịp thời bồi thường, hỗ trợ; nơi nào có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng người dân thì cần sớm có phương án khắc phục, di dời, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa lũ; địa phương nào có dự án điện gió cam kết làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=171733&title=giam-sat-tinh-hinh-thuc-hien-chinh-sach-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-huong-hoa