Nghị quyết 43 đã kết thúc 'sứ mệnh'

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Tại cuộc họp báo ngày 2-7, đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc chậm phân bổ vốn đầu tư công theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (gọi tắt là Chương trình).

Cụ thể, theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN, chuyên ngành II, mặc dù đã hết thời gian thực hiện Chương trình theo kế hoạch đề ra (theo yêu cầu ban đầu, phải thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình trong năm 2022-2023), nhưng đến nay vẫn còn một số dự án chưa phê duyệt được dự án đầu tư nên chưa thể triển khai thực hiện, chưa phân bổ hết một lượng lớn nguồn lực của Chương trình.

Theo đánh giá của đại diện cơ quan KTNN, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm phân bổ, giải ngân vốn của chương trình.

Ông Lê Đình Thăng trả lời câu hỏi báo chí tại cuộc họp báo của KTNN chiều 2-7

Ông Lê Đình Thăng trả lời câu hỏi báo chí tại cuộc họp báo của KTNN chiều 2-7

Thứ nhất, đó là những nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các cơ quan Trung ương có liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng thông báo, giao kế hoạch vốn Chương trình còn chậm trễ, chưa đảm bảo mốc thời gian theo yêu cầu.

Thứ hai, nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các đơn vị thực hiện Chương trình là do đa số các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án).

Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu “ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn” nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực y tế, do công tác chống dịch và nhiều nhiệm vụ khác Bộ Y tế phải giải quyết khẩn cấp. Thế nhưng, cơ chế cấp vốn mới, thực hiện lần đầu; quy trình, thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước; thủ tục báo cáo, xét duyệt qua nhiều khâu và quy trình lấy ý kiến các cơ quan có liên quan để đảm bảo chặt chẽ; phạm vi đầu tư rất rộng, trên toàn quốc; nhiều địa phương, đơn vị chuẩn bị đề xuất chưa tốt, phải sửa nhiều lần, chậm gửi báo cáo cho Bộ Y tế.

Hay như một số đơn vị, địa phương có đăng ký, nhưng sau đó trả lại vốn, dẫn đến việc phải điều chỉnh, thay đổi danh mục dự án và số vốn phân bổ; chưa có cơ chế huy động thêm các nguồn lực cho phòng, chống dịch như huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia, chính sách xã hội hóa nguồn lực.

Cũng theo đại diện KTNN, trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, thực hiện đầu tư và thực hiện giải ngân kế hoạch vốn của chương trình, các địa phương còn chưa có giải pháp quyết liệt để hoàn thành theo đúng cam kết khi tham gia thực hiện chương trình cũng là một trong những nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện dự án.

Chính vì vậy, thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư để đáp ứng yêu cầu được giao vốn thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công còn mất nhiều thời gian, kéo theo chậm trễ trong việc trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Nhận xét về kết quả kiểm toán đối với việc triển khai Chương trình theo Nghị quyết 43, ông Lê Đình Thăng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Nghị quyết số 43 được ban hành gấp gáp nên khó thiết kế được chính sách hoàn hảo”.

Theo ông Thăng, sau khoảng 10 ngày khi Nghị quyết số 43 được ban hành thì Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai ngay. Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương đã bổ sung danh mục các công trình, dự án cấp bách khác do địa phương và Bộ, ngành xác định nhưng nhiều công trình được bổ sung chưa được chuẩn bị đầu tư và từ lúc bổ sung vào danh mục phân bổ vốn để trình cấp có thẩm quyền đến lúc triển khai đã quá thời gian theo quy định.

Vì vậy, Quốc hội phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43, nhưng đến nay có thể thấy rất nhiều nội dung sẽ khó thực hiện. Hệ quả, việc chậm triển khai phân bổ vốn dẫn đến việc một số công trình đưa vào giải ngân chậm do thủ tục hành chính chưa đầy đủ nên không thể giải ngân được.

Do đó, cơ quan KTNN đã khuyến nghị đối với các dự án thuộc Chương trình của Nghị quyết 43 đến nay chưa xong thì nên chuyển thành dự án thuộc chương trình đầu tư công và xem như Nghị quyết 43 đã kết thúc "sứ mệnh”.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nghi-quyet-43-da-ket-thuc-su-menh-post115282.html