Giám sát trúng, đúng, sát yêu cầu thực tiễn

Thời gian qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát (GS). Không chỉ tổ chức GS những nội dung thường kỳ về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cư tri; GS lại những nội dung đã được HĐND tỉnh kiến nghị, HĐND tỉnh còn thực hiện các cuộc GS tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát một số nội dung đề nghị bổ sung danh mục dự án thu hồi đất.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát một số nội dung đề nghị bổ sung danh mục dự án thu hồi đất.

Năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn tổ chức GS chuyên đề việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Đoàn GS đang tổ chức các hoạt động khảo sát, GS theo đúng kế hoạch.

Đối với các ban của HĐND tỉnh năm 2024, Ban Pháp chế GS về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018 - 2023; Ban Văn hóa - Xã hội GS việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP); Ban Kinh tế - Ngân sách GS việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 về việc thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 201/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 thông qua Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Ban Dân tộc GS việc triển khai thực hiện Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

kết quả GS về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018-2023 cho thấy, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giảm đầu mối, biên chế. Từ năm 2018 đến hết năm 2023 giảm 41 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Các ĐVSNCL đã từng bước hoạt động hiệu quả hơn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Giai đoạn 2018 - 2021, toàn tỉnh đã giảm 2.889 biên chế sự nghiệp, đạt 10,3% so với biên chế năm 2015, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đến năm 2023 giảm thêm 1.458 biên chế.

Tuy nhiên qua GS, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng chỉ ra các nhiệm vụ thực hiện chưa đạt theo kế hoạch hoặc chưa thực hiện được, như: ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án để thành lập 53 trường phổ thông nhiều cấp học trong tỉnh, hoàn thành trước ngày 1/1/2020. Tính đến tháng 5-2024, trên địa bàn tỉnh mới thành lập được 17/53 trường liên cấp tiểu học và THCS tại 6 huyện, thành phố, đạt tỷ lệ 32,08%. Còn 3 địa phương là Phú Bình, TP. Phổ Yên và Phú Lương chưa thành lập được trường liên cấp.

Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vẫn còn ĐVSNCL (trung tâm dịch vụ nông nghiệp) sau khi sáp nhập, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành. Việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm của một số ĐVSNCL chưa thực sự đảm bảo chất lượng, còn hình thức… Đặc biệt là việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại một số ĐVSNCL còn chậm. Tính đến nay, toàn tỉnh còn 183 cơ sở nhà đất do đơn vị sự nghiệp công quản lý chưa được phê duyệt phương án sắp xếp.

Trước các cuộc giám sát, các ban của HĐND tỉnh đều tổ chức khảo sát thực tế.

Trước các cuộc giám sát, các ban của HĐND tỉnh đều tổ chức khảo sát thực tế.

Kết quả GS về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã chỉ ra các vi phạm chủ yếu liên quan đến môi trường vệ sinh không đảm bảo, điều kiện vệ sinh chung tại một số cơ sở chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện lưu mẫu thức ăn 24h chưa đầy đủ; chưa lập sổ ghi kiểm thực ba bước theo quy định của Bộ Y tế; sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Việc thống kê, thiết lập sổ theo dõi, tiếp nhận bản cam kết đảm bảo ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý cấp xã thực hiện chưa đầy đủ, như UBND phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên); UBND thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ)... Nhiều chợ còn có hoạt động giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được quản lý, kiểm soát, xử lý, như: Chợ Đồng Quang, chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), chợ Trung tâm (TP. Sông Công)…

Sau GS, các ban của HĐND tỉnh đã xây dựng báo cáo chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có các giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thông qua GS đã khẳng định tính đúng đắn và sát thực của các chủ trương, chính sách; phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Hoạt động GS của HĐND tỉnh đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Với cách làm hiệu quả, chất lượng, các cuộc GS của HĐND tỉnh đã đi vào cuộc sống, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/giam-sat-trung-dung-sat-yeu-cau-thuc-tien-3b72570/