Giám sát và phản biện xã hội cần chất lượng
Ngày 11-6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10. Với tinh thần “Đoàn kết - dân chủ - đổi mới - sáng tạo - phát triển”, đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019- 2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, nêu: mặc dù đất nước đạt được những thành tựu to lớn, nhưng nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là người lao động ở khu vực công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, xảy ra nhiều sai phạm. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều bức xúc, kéo dài ở một số nơi. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, cháy nổ, tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn (nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch). Trong đó, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những mâu thuẫn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta…
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, những năm qua, phân tầng xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chính sách đại đoàn kết toàn xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển của Đảng, Nhà nước. Do đó, báo cáo cần chú trọng vấn đề này. Mặt khác, trong 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra, báo cáo cũng cần làm rõ một số vấn đề, cần có phân tích sâu hơn.
“Khi phân tầng xã hội lớn thì việc thụ hưởng chính sách, cơ hội tiếp cận chính sách của người dân yếu thế trong xã hội sẽ khó khăn hơn”, ông Ngô Sách Thực nói.
Cũng theo ông Ngô Sách Thực, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh tuyên truyền về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có sự vào cuộc của các cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, vì điều đó làm nên tiếng nói của mặt trận, “giám sát và phản biện xã hội không cần nhiều, chỉ cần chất lượng”.
Trong chương trình hành động của nhiệm kỳ mới, MTTQ Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động, mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ được những người thực sự có uy tín, tiêu biểu trên địa bàn khu dân cư tham gia vào công tác mặt trận. Ngoài ra, cũng cần làm rõ hiệu quả đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận, đề cao tính hiệu quả, cần nâng cao chất lượng công tác tập hợp kiến nghị cử tri của nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Khi xuất hiện các vấn đề nổi cộm tại khu dân cư, mặt trận phải phối hợp với chính quyền trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình nhân dân liên quan đến các đối tượng, vụ việc cụ thể, chủ động sâu sát cơ sở hơn nữa.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị tăng cường công tác lắng nghe ý kiến người dân, phản bác những luận điệu chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo… ; cần tiếp tục rà soát những chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự thảo báo cáo cũng nêu, công tác tuyên truyền, vận động của mặt trận vẫn có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao. Một số nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân có lúc, có thời điểm còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn có những vụ việc bức xúc nhưng chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu và tham gia giải quyết của mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên.
Mặt khác, công tác tham mưu nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao; chưa có cơ chế, quy trình thích hợp phát huy vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân.
Công tác phản biện xã hội mới chỉ tập trung ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý kiến nghị sau giám sát có nơi còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Ở một số nơi, chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương chưa rõ nét, kết quả còn hạn chế…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-can-chat-luong-post744062.html