Giám sát véc-tơ truyền bệnh hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét
Xác định giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt rét (thường gọi là bắt muỗi) tại cộng đồng là hoạt động quan trọng trong việc chủ động phòng chống và loại trừ sốt rét, đội ngũ nhân viên y tế Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng và Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị đã quay trở lại vùng sốt rét lưu hành để điều tra, giám sát thực trạng véc-tơ truyền bệnh sốt rét.
18 giờ 45 phút, nhóm bắt muỗi theo sự dẫn đường của cán bộ Trạm Y tế xã Tà Long, huyện Đakrông tới điểm điều tra muỗi Anopheles. Việc bắt muỗi được tiến hành bằng treo bẫy và soi muỗi trong nhà, xung quanh nhà và ở chuồng gia súc. Từ 19 giờ đến 22 giờ, cả nhóm đặt bẫy màn kép trong và ngoài nhà, soi đèn ở chuồng gia súc, đặt bẫy đèn trong nhà. Khi hoàn thành việc đặt bẫy với sự ghi chép cẩn thận thì cả nhóm quay về nghỉ tại Trạm Y tế xã Tà Long.
“Lần đầu tham gia, tôi thấy việc giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét vất vả, nguy hiểm vì phải tiến hành từ chập tối đến 22 giờ đêm. Sau khi có mưa, người bắt muỗi rất dễ trượt ngã trong lúc di chuyển nhưng dần dần thấy việc làm này có thể giúp cộng đồng, người dân PCSR nên tôi tiếp tục tham gia”, ông Trương Hữu Anh Nhật, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm nói.
Sáng hôm sau, nhóm bắt muỗi quay lại điểm giám sát để thu bẫy. Tiếp theo, cả nhóm soi tìm muỗi trong nhà dân. Tất cả số muỗi đã thu thập được định loại rồi nhốt vào các ống tuýt, trong đó mật độ muỗi An. minimus 0,4 con/giờ/người; muỗi An. aconitus 7 con/ giờ/người và 0,08 con/bẫy/đêm; muỗi An. maculatus 21 con/giờ/gia súc. Phương pháp soi trong nhà vào ban ngày không phát hiện muỗi Anopheles.
Bác sĩ Hồ Duy Sáu, trưởng nhóm công tác cho biết: “Tà Long là xã miền núi thuộc vùng sốt rét lưu hành nhẹ. Thành phần loài muỗi Anopheles tại Tà Long khá phong phú, gồm 12 loài, trong đó có véc-tơ truyền bệnh sốt rét là Anopheles minimus. Vào đầu mùa mưa, thời tiết ở Tà Long ngày nắng nóng, chiều có mưa rào, vì thế quần thể muỗi Anopheles sinh trưởng, phát triển rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, người dân trong xã thường sang Lào làm rẫy nhiều ngày nhưng không áp dụng biện pháp bảo vệ cá nhân nên tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Khi đã xác định thành phần loài và mật độ muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, Trung tâm KSBT tiếp tục hỗ trợ huyện Đakrông nói chung, xã Tà Long nói riêng triển khai các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét phù hợp, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống véc-tơ truyền bệnh sốt rét”.
Trong năm 2023, toàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận 1 trường hợp bệnh sốt rét tại huyện Hướng Hóa, số người mắc sốt rét giảm 94% so với cùng kỳ năm 2022, không có người mắc sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét, không xảy ra dịch sốt rét. Cũng trong năm này, có 4 đợt bắt muỗi được triển khai ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh; 8 lượt giám sát hoạt động phòng chống, loại trừ sốt rét tại các xã trọng điểm và các xã tiến đến loại trừ bệnh sốt rét.
Ngày 30/12/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2024 - 2030 tại tỉnh Quảng Trị, trong đó giải pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét được triển khai xuyên suốt lộ trình.
Mỗi đợt Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị triển khai bắt muỗi ở vùng sốt rét lưu hành đều nhắm bắt các loài muỗi truyền bệnh sốt rét. Ông Trần Văn Don, Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng cho biết: “Muỗi Anopheles thường hoạt động ở trong rừng, bìa rừng và cũng có thể phát hiện ở khu vực trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Các loài muỗi Anopheles có tập tính đốt máu người cả trong nhà và ngoài nhà. Hoạt động đốt máu người của muỗi truyền bệnh sốt rét xảy ra suốt đêm và đỉnh hoạt động có thể thay đổi theo vùng, theo mùa nhưng phổ biến là từ 20 giờ đến 24 giờ”.
Còn theo ông Trương Hữu Anh Nhật, sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và lây theo đường máu. Chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét gồm giai đoạn sinh sản vô tính ở cơ thể người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi. Chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền nên ở vùng có muỗi An. minimus thì bệnh sốt rét có 2 đỉnh vào đầu và cuối mùa mưa; vùng có muỗi An. dirus thì bệnh sốt rét lan truyền trong suốt mùa mưa; còn vùng có muỗi An. epiroticus thì sốt rét lây truyền quanh năm.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, nhóm bắt muỗi lồng ghép truyền thông với người dân ở vùng sốt rét lưu hành về biện pháp PCSR như: ngủ trong màn; sử dụng màn tẩm hóa chất xua muỗi đã được cấp phát; người đi rừng, ngủ rẫy sử dụng màn và võng màn đã được tẩm hóa chất hoặc hương xua muỗi, kem xua muỗi; người làm việc trong rừng cao su sử dụng mũ trùm có tẩm hóa chất ngăn muỗi; vệ sinh môi trường; sử dụng vợt điện hoặc bình xịt hóa chất diệt muỗi, bẫy đèn và các biện pháp dân gian để diệt muỗi.
Từng là “điểm nóng” về bệnh sốt rét trong những năm đầu lập lại tỉnh với tỉ lệ ký sinh trùng sốt rét/lam máu xét nghiệm có khi là 40,1% ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, đến năm 2023, tỉnh Quảng Trị chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sốt rét. Hành trình tiến tới mục tiêu được công nhận loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2027, có những đóng góp của hoạt động giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét được Trung tâm KSBT tỉnh thực hiện hiệu quả ở những vùng sốt rét lưu hành.