Giám sát việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế công trình cầu yếu, cầu tạm tại Hà Nội

Sáng 21/7, đoàn giám sát của Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội đã làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ban của thành phố về công tác cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố.

Đoàn giám sát đã làm việc với các Sở: Xây dựng Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.

Chủ trì buổi làm việc, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đàm Văn Huân cho biết, sau cơn bão Yagi năm 2024, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 1866-TB/TU ngày 9/9/2024 về Kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm cần tập trung triển khai theo yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy là tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu bắc qua sông trên địa bàn thành phố để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu, nhất là các cầu bắc qua sông Hồng. Trước mắt, triển khai ngay việc gia cố, sửa chữa các cầu yếu, có phương án giảm tải phương tiện lưu thông qua cầu; trường hợp cầu không đảm bảo an toàn thì dừng ngay việc lưu thông qua cầu và có phương án phân luồng giao thông phù hợp. Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế các cầu yếu trong giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Trên cơ sở đó, Ban Đô thị HĐND TP tổ chức giám sát nhằm làm rõ công tác tham mưu của các sở, ban ngành của thành phố trong công tác khắc phục, sửa chữa các câu cầu tạm, tạm yếu đã được tổng hợp sau bão Yagi; công tác khai thác, duy tu sau gần 1 năm có sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội - nhất là sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Qua đó, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong công tác quản lý Nhà nước về công trình cầu theo phân cấp trên địa bàn thành phố.

Thông tin tới đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, UBND TP giao cho Sở Xây dựng quản lý 587 cây cầu (7 cầu lớn, 492 cầu nhỏ, 13 cầu vượt nhẹ, 75 cầu đi bộ). Qua tổng hợp toàn thành phố có 167 công trình cầu yếu, cầu tạm do quy mô mặt cắt ngang chưa đồng bộ với quy mô của tuyến đường; chiều rộng cầu nhỏ hơn chiều rộng của đường đầu cầu, làm tính chất liên tục của tuyến đường giao thông bị thắt hẹp, gián đoạn; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.

Trong số đó có 58 cây cầu được giao quản lý đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, theo dõi, duy tu cấp thành phố; 114 cây cầu thuộc quản lý, đầu tư, duy tu của cấp quận, huyện, thị xã cũ. Giai đoạn 2017 - 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đã rà soát và đề xuất đầu tư đối với 41 công trình cầu yếu. Đến nay có 27/41 cầu hoàn thành, đưa vào khai thác; 12/41 cầu đang tổ chức thi công; 2/41 cầu đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Từ năm 2024 đến nay, 25 dự án đầu tư xây dựng cầu để thay thế cầu yếu do thành phố quản lý đã được triển khai theo quy định. Đồng thời, các công trình cải tạo, sữa chữa, theo dõi, duy tu định kỳ cũng đang được Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá hư hỏng để đề xuất cải tạo, chửa chữa năm 2025.

Cùng với đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, Sở đã nhận được nhiều phản ánh của cử tri để xuất đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ hoặc cải tạo, sửa chữa 3 cầu Trung Hòa, Thượng Tiết, cầu núi Vua (thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức cũ); cầu Minh Châu (huyện Ba Vì cũ), cầu Tân Dân (huyện Phú Xuyên cũ); 3 cầu Khánh Vân, Phúc Quan, Vọng Tân (thuộc huyện Ứng Hòa cũ)... Các công trình cầu này đều do địa phương quản lý theo phân cấp và đã được Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND TP.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin tới đoàn giám sát

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin tới đoàn giám sát

Tại buổi làm việc, thành viên Ban Đô thị HĐND TP cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay là việc chưa xác định được hết danh mục cầu yếu. Các cầu đầu tư mới thuộc nhóm 1 (đầu tư xây dựng mới) chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, một số công trình cầu gắn theo dự án đầu tư các tuyến đường dẫn đến thời gian đầu tư bị kéo dài.

Về cơ bản các cây cầu được đầu tư xây dựng từ lâu, một số cầu chỉ là cầu phao, cầu tạm tự phát phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của Nhân dân khu vực. Các cầu này hầu hết không cung cấp được hồ sơ hoàn công, hồ sơ kiểm định; nguồn vốn cho công tác cải tạo, sửa chữa còn hạn chế, chưa được kịp thời…

Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị trao đổi, kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đàm Văn Huân nhấn mạnh, trong các nội dung tổng thể ứng phó với thiên thai, bão lũ thì việc quan tâm gia cố cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm, chỉ đạo, thực hiện xuyên suốt nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Trước những khó khăn, tồn tại được chỉ ra qua giám sát, Trưởng đoàn giám sát đề nghị các đơn vị bổ sung báo cáo về những nội dung đoàn giám sát quan tâm; đồng thời thực hiện rà soát tổng thể các cây cầu, thực hiện kiểm định để đánh giá mức độ an toàn, từ đó có giải pháp hạn chế phương tiện, hoặc xây dựng mới thay thế, sửa chữa.

Đặc biệt, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP đề nghị các sở, ngành tiếp tục thực hiện Thông báo số 1866-TB/TU ngày 9/9/2024 của Thành ủy Hà Nội. Tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống các cầu, để đánh giá, phân loại mức độ an toàn của từng cầu. Cùng với việc rà soát thì cũng có phương án ứng phó ngay, lường trước mọi yếu tố rủi ro, nhằm bảo đảm an toàn.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-sat-viec-cai-tao-nang-cap-xay-dung-thay-the-cong-trinh-cau-yeu-cau-tam-tai-ha-noi.777678.html