Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Gia Lai

Sáng 21/7, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Gia Lai được quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất trên 4 triệu 347 ngàn MW gồm: 60 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất trên 2 triệu 300 ngàn MW; 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 787 MWp, tương đương công suất 630 MW. Bên cạnh đó, tỉnh có 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất trên 1 triệu 200 ngàn MW; hai dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 129,6 MW; hơn 3.200 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tương đương công suất 480 MW. Các dự án này đang được tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan xem xét, đưa vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 các dự án nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi, với tổng công suất khoảng 15.566 MW nhằm huy động các nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao.

Khi các dự án, công trình năng lượng triển khai xây dựng trên địa bàn, Gia Lai đã chỉ đạo chủ đầu tư các dự án năng lượng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng về tái định canh, hỗ trợ sản xuất và nghề cho hàng ngàn lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động kỹ thuật vận hành sản xuất khi hoàn thành công trình theo quy định.

Nhân dân trong vùng các dự án năng lượng được bồi thường, hỗ trợ theo chính sách, pháp luật nên có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, các điều kiện sinh hoạt như điện, nước sinh hoạt, phương tiện đi lại được cải thiện. Hiện một số hộ dân chưa đồng ý với mức đền bù của một số dự án năng lượng. Với những hộ này, chính quyền địa phương quan tâm, theo dõi và xử lý triệt để trước khi các dự án năng lượng đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện bằng các dự án cấp điện nông thôn và vốn sửa chữa hằng năm của Công ty Điện lực Gia Lai. Đến nay, tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh tiếp nhận 35 hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 350 triệu đồng.

Các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu Gia Lai cần khắc phục những tồn tại hạn chế trong quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển các dự án. Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh báo cáo làm rõ việc đền bù, di dân, tái định cư tại một số dự án phát triển năng lượng thủy điện, năng lượng gió chưa đáp ứng được tiêu chí bảo đảm sinh kế và an sinh cho người dân; sự phối hợp, chỉ đạo của tỉnh với các chủ đầu tư trong các dự án di dân, tái định cư, đảm bảo các tiêu chí an sinh xã hội.

Tỉnh Gia Lai kiến nghị với Đoàn giám sát, báo cáo Quốc hội chỉ đạo xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo để địa phương có cơ sở triển khai các vấn đề liên quan mang tính cấp bách. Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm ban hành Quyết định quy định về quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới; ban hành các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió như xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc... làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận những kết quả toàn diện mà Gia Lai đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016 - 2021. Các dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao sự chỉ đạo của Gia Lai về việc thực hiện chính sách phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Ông Bùi Văn Cường đề nghị tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến và các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra; đồng thời, đề ra giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng trước thực tế nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Về các hạn chế tồn tại trong phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, theo ông Bùi Văn Cường, dự án điện của các doanh nghiệp thực hiện xây dựng nhưng không được truyền tải, đấu nối hay không bán được trên điện lưới quốc gia gây lãng phí nguồn lực rất lớn của xã hội. Trước khi cho phép xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư, các bộ, ban, ngành cần tính luôn công suất để giải tỏa, tránh để các dự án đứng im, đắp chiếu, quá lãng phí.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thực hiện giám sát Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Đoàn giám sát đã có báo cáo, kiến nghị chuyển một số dự án sang Cơ quan điều tra, bởi khi đầu tư nguồn tiền lớn cho các dự án mà lãng phí không sử dụng, cần làm rõ trách nhiệm, xem xét, xử lý những người có trách nhiệm liên quan.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-phat-trien-nang-luong-tai-gia-lai-20230721175824380.htm