Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại huyện Trần Đề

Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, hằng năm, UBND huyện Trần Đề tổ chức triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2021 đến hết ngày 31/12/2023, huyện Trần Đề được HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gồm 11 nghị quyết với tổng diện tích 41,26ha. Cũng trong giai đoạn này, tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện đối với các cá nhân, tổ chức ngoài danh mục của các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành là 7,25ha với tổng số tiền thu được từ chuyển mục đích là 51,205 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Trần Đề, kết quả chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đạt thấp so với kế hoạch được duyệt. Nguyên nhân là do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa tự nguyện thực hiện việc đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, mặc dù địa phương có triển khai. Từ đó dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc thống kê các trường hợp có biến động so với hiện trạng, không đánh giá được nhu cầu thực tế của người sử dụng đất, dẫn đến chỉ tiêu kế hoạch đề ra cao hơn so với nhu cầu của người sử dụng đất.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Sóc Trăng làm việc tại huyện Trần Đề. Ảnh: HẢI HÀ

Thống nhất với những kết quả mà huyện Trần Đề báo cáo, thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh cùng các phòng, ban, ngành huyện Trần Đề đã trao đổi các vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về đất đai, trong đó có những vấn đề như: công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hiện trạng sử dụng đất; hiệu quả việc thực hiện quy hoạch; tình trạng lấn chiếm đất công và giải pháp của huyện; công tác chỉnh lý biến động đất đai… nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào yêu cầu huyện Trần Đề kịp thời chỉnh lý biến động về đất đai. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, lập quy hoạch; tạo mọi điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát. Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Do đó, huyện cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đất đai để tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng trong quy hoạch, sử dụng đất. Sau buổi làm việc, huyện cần tổng hợp đầy đủ những khó khăn, bất cập vào báo cáo để gửi lại đoàn giám sát tổng hợp, xem xét, có những giải pháp, kiến nghị đến Trung ương giải quyết.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-tran-de/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat-tai-huyen-tran-de-73710.html