Giám sát việc thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020

Ngày 8/8, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh do đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức giám sát BCĐ Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh.

Đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát.

Theo BCĐ Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh, toàn tỉnh có 222.080 trẻ em, chiếm 26,4% dân số của tỉnh. Trong đó, 2.393 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 36.402 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trong giai đoạn 2016-2018, BCĐ Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh được kiện toàn; công tác phối hợp giữa các ngành thành viên chặt chẽ hơn. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân để Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phát huy hiệu quả được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm. Từ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và theo dõi, đánh giá được thực hiện theo 3 cấp độ: phòng ngừa, giảm thiểu, trợ giúp. Các vụ án liên quan đến trẻ em như hiếp dâm, giao cấu, dâm ô được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Hàng năm, Tháng hành động vì trẻ em được triển khai với nhiều hoạt động phong phú. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đầy đủ. Trẻ em đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học, THCS đạt 100%. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, tặng quà, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi...

Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm pháp luật… vẫn xảy ra. Số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chiều hướng tăng. Công tác vận động Quỹ bảo trợ trẻ em khó khăn. Các khu vực vui chơi dành cho trẻ quá nghèo nàn, không đáp ứng nhu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở thường kiêm nhiệm, không đồng bộ, thiếu kỹ năng. Nguồn lực dành cho công tác trẻ em ít…

BCĐ kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động vì trẻ em. Ban hành thông tư, hướng dẫn liên tịch giữa các bộ, ngành liên quan để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp. UBND tỉnh tăng cường nguồn lực để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu chưa đạt trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Đồng chí Trần Đức Trường, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của BCĐ, các thành viên đoàn và sở, ngành. Đồng thời, đề nghị BCĐ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo và giao các ngành thành viên cụ thể thành các kế hoạch hành động từ tỉnh tới cơ sở. Báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có quỹ đất dành cho việc đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa cho trẻ em như sân chơi, bể bơi… Quan tâm phân bổ nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác trẻ em. Tham mưu tỉnh có nghị quyết chuyên đề về công tác trẻ em. Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp lại đầu mối quản lý gia đình và trẻ em cho phù hợp…

Cẩm Lệ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/131869/giam-sat-viec-thuc-hien-chuong-trinh-bao-ve-tre-em-giai-doan-2016-2020.htm