Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội có chặn được tình trạng rút một lần?

Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm và tiến tới 10 năm được xem là giải pháp để mở rộng độ bao phủ, cũng như hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần. Tuy nhiên, để đảm bảo có thêm nhiều người lao động tham gia và ở lại hệ thống thì có lẽ cần thêm nhiều giải pháp.

Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này, sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.

Trăn trở về bài toán hạn chế rút BHXH một lần

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện chính sách an sinh xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế. Thực tế, Việt Nam được biết đến là nước thành công lớn với việc bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân. Con số thống kê cho thấy đến nay, 90% dân số đã có BHYT với những gói, dịch vụ chăm sóc sức khỏe khá toàn diện. Tỷ lệ tiếp cận BHXH, chế độ hưu trí cũng tăng mạnh trong 5 năm qua.

Làm thế nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần vẫn đang là câu hỏi khó.

Làm thế nào hạn chế tình trạng rút BHXH một lần vẫn đang là câu hỏi khó.

Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ có 33% lực lượng lao động (tương đương 16,5 triệu người) đang tham gia BHXH. Khoảng cách về giới cũng cần xử lý khi chỉ có 12% phụ nữ được hưởng lương hưu từ BHXH so với tỷ lệ 26% ở nam giới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có những nhóm bị bỏ sót chính sách khi chưa đủ nghèo để hưởng trợ giúp xã hội nhưng cũng không ổn để tự lo được cuộc sống, tham gia BHXH tự nguyện. Thực tế, nhóm bị bỏ sót này đã thể hiện rõ hơn, nhiều hơn trong đại dịch COVID-19. Khoảng trống chính sách cũng thực sự bộc lộ trong chế độ hưu trí với người từ 69-70 tuổi, khoảng "chơi vơi" vì chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm để có lương hưu, cũng đã hết tuổi lao động để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Vì vậy, tới đây, Luật BHXH 2014 sẽ được sửa, với định hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm từ mức tối thiểu 20 năm hiện nay xuống 15 năm, tiến tới kéo xuống 10 năm để nhiều người tiếp cận được với lương hưu, chế độ hưu trí hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, tình trạng rút BHXH một lần vẫn đang là vấn đề đau đầu trong tìm ra giải pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đối tượng rút bảo hiểm một lần nhiều nhất là phụ nữ nuôi con nhỏ, người lao động thuê trọ nên cần có chính sách để hỗ trợ người lao động về vấn đề nhà ở, chăm sóc con cái thì mới hạn chế được việc rút bảo hiểm.

“Quan điểm của cơ quan quản lý lĩnh vực cũng là không đi theo hướng "chặt bỏ" quyền lợi của người lao động mà cố gắng gia tăng lợi ích được hưởng để phát triển chính sách BHXH một cách thực chất, bền vững", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Không nên quy định "cứng nhắc"

Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc rút ngắn thời gian đóng BHXH là một giải pháp để chúng ta mở rộng độ bao phủ nhưng sẽ không thể giải quyết căn cơ bài toán nhận BHXH một lần. Để giải quyết thì quan trọng là nhận thức của người lao động, rồi những quy định về kỹ thuật trong chính sách hưởng BHXH một lần cần phải tính toán lại.

Theo đó, có thể cho phép người lao động được nhận phần do người lao động đóng, còn phần doanh nghiệp đóng thì giữ lại để thực hiện các gói an sinh khác, chia sẻ cho những đối tượng khác.

Trong khi đó, ông Nuno Cunha, Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặt vấn đề, đến năm 2030, Việt Nam muốn thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao thì mọi người phải được hưởng mức độ an sinh xã hội nào đó, trước hết là chế độ hưu trí, đảm bảo để mỗi người dân được hưởng mức hưu trí nhất định.

Nguồn lực thì có hạn nên để giải quyết được yêu cầu, theo ông Nuno Cunha, cần huy động người tham gia BHXH đóng ở mức nhiều, cao hơn.

Ông Nuno Cunha cũng nhắc tới mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 28 của Trung ương về BHXH, đến 2030 đạt tỷ lệ bao phủ lương hưu đến 60%. Với tốc độ bao phủ hiện nay, cần phải nhiều năm nữa mới hi vọng đạt được.

Nêu kinh nghiệm từng quan sát vấn đề này tại Malaysia, ông Nuno Cunha cho biết suốt nhiều năm qua, quốc gia này vẫn chưa thay đổi được nhiều tình trạng rút BHXH một lần. Singapore mất nhiều thời gian hơn nhưng nỗ lực đã mang lại hiệu quả, làm chuyển biến tình hình, với cách làm rất từ từ, mỗi năm nâng điều kiện thời gian được rút BHXH một lần lên một chút.

Từ đó, chuyên gia ILO khuyến cáo, không nên quy định cứng để "cứng nhắc" việc người dân rút BHXH một lần nhưng nếu tăng dần điều kiện, giống như nâng tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng một vài tháng thì người dân sẽ hiểu hơn, dần ý thức đầy đủ về lưới an sinh quan trọng này.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-co-chan-duoc-tinh-trang-rut-mot-lan-1086372.html