Giảm sức ép cho cơ sở điều trị

Để tránh quá tải lên hệ thống điều trị, cần nâng cao năng lực của tuyến điều trị ban đầu

Hiện Việt Nam có gần 6.000 bệnh nhân (BN) Covid-19 đang điều trị tại 106 cơ sở y tế, trong đó có hơn 100 trường hợp tiên lượng nặng.

Điều trị tại nhà sẽ rất nguy hiểm

Ngày 9-6, Việt Nam ghi nhận thêm 407 ca mắc mới gồm 26 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 381 ca ghi nhận trong nước. Đây là lần thứ 2 số ca mắc trong ngày của nước ta tăng vọt ở mức trên 400 ca. Theo Bộ Y tế, số ca mắc bất ngờ tăng cao là do Bắc Giang phát hiện thêm 201 ca từ ngày 27 đến 29-5 được sàng lọc trong vùng phong tỏa. Như vậy, trong ngày 9-6, số ca mắc mới ghi nhận tại Bắc Giang là 296 ca, TP HCM (40), Bắc Ninh (35), Hà Nội (5), Hà Tĩnh (3), Lạng Sơn (1), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1). Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đang bước vào giai đoạn tổng tấn công dập dịch. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa trong 14 ngày tới thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ở các địa phương khác thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và cách ly y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang - cơ sở đang điều trị cho 56 bệnh nhân Covid-19 nặngẢnh: NGỌC MAI

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang - cơ sở đang điều trị cho 56 bệnh nhân Covid-19 nặngẢnh: NGỌC MAI

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đợt dịch lần này có nhiều điểm khác biệt so với các đợt dịch trước. Thứ nhất, số lượng BN ở đợt dịch này rất lớn, tạo nên sức ép lớn đối với hệ thống điều trị. Thứ hai, chủng virus gây bệnh lần này là chủng Ấn Độ, khiến cho diễn biến lâm sàng của các BN nhanh hơn các chủng trước.

Tỉnh Bắc Giang đang có 14 cơ sở điều trị BN Covid-19 với nhiều bệnh viện có số lượng BN lớn như: Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang đang điều trị 666 BN; Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự điều trị 509 BN; Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang là 321 BN... Ngày 9-6, cơ sở điều trị Covid-19 với 1.800 giường bệnh đặt tại khu nhà ở xã hội của Công ty Luxshare-ICT đã bắt đầu tiếp nhận 100 BN. Đây là cơ sở thu dung, điều trị BN Covid-19 lớn nhất cả nước. Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP HCM) cũng đang điều trị hơn 260 BN và tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đang điều trị gần 250 BN.

Trước ý kiến cho rằng có nên cho BN Covid-19 nhẹ tự điều trị tại nhà, bác sĩ Cấp nhận định: "Ở những nước mà số lượng BN quá lớn, cũng như dịch lưu hành rộng trong cộng đồng thì họ áp dụng chiến lược điều trị BN nhẹ tại nhà, khi nào nặng thì đến BV. Ở Việt Nam rất may mắn là dịch ngoài cộng đồng đang được kiểm soát. Hơn nữa số lượng BN Covid-19 vẫn chưa vượt quá khả năng thu dung, điều trị. Do đó, chúng ta vẫn ưu tiên chiến lược điều trị tất cả BN Covid-19 tại cơ sở y tế.

Theo BS Cấp, với những BN Covid-19 thường ở tuần đầu mắc bệnh sẽ có diễn biến nhẹ; tuy nhiên, sang các tuần tiếp theo, một số BN có diễn biến nặng, nếu phát hiện sớm các dấu hiệu nặng, điều trị kịp thời thì BN sẽ không nguy hiểm tính mạng, tỉ lệ tử vong giảm đi. "Nếu để BN nhẹ điều trị tại nhà sẽ vấp phải 2 vấn đề: Nguy cơ lây nhiễm sang người thân rất cao, nhất là sẽ rất nguy hiểm cho người già có bệnh nền; khó phát hiện được các dấu hiệu thay đổi bệnh lý sớm để can thiệp từ sớm" - BS Cấp cảnh báo.

Theo BS Cấp, để tránh quá tải lên hệ thống điều trị, cần nâng cao năng lực của tuyến điều trị ban đầu. Khi tuyến điều trị ban đầu ổn thì tỉ lệ BN diễn biến nặng sẽ ít đi, ít BN phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, từ đó giảm gánh nặng cho khoa hồi sức cấp cứu các đơn vị này.

67% người dân sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Y tế, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Việt Nam, cho biết kết quả khảo sát của UNICEF cùng các đối tác vừa thực hiện cho thấy 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19, đây là tỉ lệ khá cao. Liên quan đến việc chuyển vắc-xin Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX về Việt Nam, theo bà Rana Flowers, các đợt vắc-xin chuẩn bị chuyển cho các quốc gia được cung ứng bởi một cơ sở sản xuất đang được xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vắc-xin này sẽ chuyển về cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, dự kiến trong tháng 7 tới đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết người dân được sử dụng vắc-xin công bằng và hiệu quả và mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy, trao đổi với COVAX để các nguồn vắc-xin Covid-19 về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất. Đồng thời, mong sớm tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Trước đó, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế vừa họp và thống nhất thông qua việc đề nghị Bộ Y tế phê duyệt cấp phép khẩn cấp vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer. Hiện Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp với 3 loại vắc-xin phòng Covid-19 là AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm.

Đến nay có 4 lô vắc-xin Covid-19 AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 trong 3 đợt với 1.354.856 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là 42.115 người.

Long An: Phát hiện 5 ca mắc Covid-19 trên tàu nhập cảnh

Cà Mau: Phạt chủ quán và thực khách vi phạm Nghị định 117

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, qua lấy mẫu xét nghiệm 15 thuyền viên trên một tàu biển từ Indonesia cập cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) ngày 6-6, đã phát hiện 5 người nghi mắc Covid-19. Hiện 5 trường hợp này đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc. Theo xác minh từ khi cập bến, các thuyền viên này đều ở trên tàu, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với 10 thuyền viên còn lại được xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2, được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung.

l UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ngày 9-6, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.H (chủ quán nhậu Huyền Cát Tường) cùng 5 thực khách với số tiền 15 triệu đồng/người do vi phạm Nghị định 117 của Thủ tướng Chính phủ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tối 2-6, trong lúc tuần tra kiểm soát, Tổ Phòng chống dịch Covid-19 phường 8, TP Cà Mau phát hiện bà H. cùng 5 thực khách đang tập trung nhậu và hát karaoke tại quán do bà H. làm chủ. Lúc này, lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành nhắc nhở và lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, nhóm người trên đã có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

H.Long - V.Du

Ngọc Dung - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giam-suc-ep-cho-co-so-dieu-tri-20210609230736037.htm