Giảm tải cho y tế tuyến trên

Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) hiện có 1 bác sĩ, 6 y sĩ (trong đó có 1 y sĩ đang theo học hệ bác sĩ chuyên tu). Với người dân nơi đây, cán bộ Trạm Y tế xã luôn tận tình, chu đáo, hết lòng vì người bệnh.

Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) hiện có 1 bác sĩ, 5 y sĩ và 1 điều dưỡng (trong đó có 1 y sĩ đang theo học hệ bác sĩ chuyên tu). Với người dân nơi đây, cán bộ Trạm Y tế xã luôn tận tình, chu đáo, hết lòng vì người bệnh. Từ sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng về cơ sở vật chất, đào tạo về nguồn lực con người, thời gian qua, chất lượng khám, chữa bệnh của Trạm từng bước được nâng lên, tạo niềm tin đối với người dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) xử lý vết thương cho người dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Đô (Phú Lương) xử lý vết thương cho người dân.

Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Phú Đô vào một ngày đầu tháng 8, khi trời đang đổ những cơn mưa rào. Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là bệnh nhân đến Trạm khám bệnh khá đông, trong đó có những trường hợp bị chấn thương khá nặng (rách ở tay, chân, trán…) do gặp tai nạn trong quá trình lao động hoặc trẻ bị ngã…

Ông Trần Văn Phương, xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, cho hay: Sáng nay, khi đang làm cỏ thì tôi bị ngã xuống hố, đầu gối đập đá, chảy nhiều máu. Tôi được người thân đưa tới đây khám, tiêm phòng uốn ván và khâu miệng vết thương. Tôi rất yên tâm khi được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình.

Ngoài ông Phương, cháu Trần Duy Hiếu, 2 tuổi, cũng đã được các y, bác sĩ ở đây vệ sinh, tiêm uốn ván và khâu vết thương ở đầu do cháu bị ngã. Quan sát y sĩ trẻ La Văn Lai khâu vết thương cho người bệnh, chúng tôi thấy anh rất cẩn thận, tỉ mỉ...

Bác sĩ Trần Anh Quân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Đô, cho hay: Ở vùng nông thôn, miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Phú Đô, Trạm Y tế xã có vai trò rất quan trọng, là điểm đến đầu tiên, được người dân tin tưởng, lựa chọn khi đau ốm. Bởi vậy, chúng tôi luôn đảm bảo trực 24/24 giờ mỗi ngày để đón tiếp người bệnh đến thăm khám và tổ chức sơ cấp cứu, kịp thời chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.

Cũng theo chia sẻ của anh Quân, do việc di chuyển từ xã ra Trung tâm Y tế huyện khá xa nên Trạm luôn cố gắng cứu chữa nhiều ca bệnh khó. Ví dụ như những trường hợp bị tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông (có ngày Trạm tiếp nhận trên 10 ca); ong đốt… Với những trường hợp bị nặng như gẫy tay, chân; xuất huyết dạ dày…, cán bộ của Trạm tiến hành sơ cứu ban đầu để bệnh nhân ổn định rồi mới chuyển lên tuyến trên.

Không chỉ tiếp nhận và xử lý nhiều ca bệnh khá phức tạp đối với tuyến y tế cơ sở, Trạm còn thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. 6 tháng đầu năm, Trạm khám, chữa bệnh cho gần 1.200 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 660 bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 370 người khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại; khám dự phòng các bệnh không lây nhiễm cho trên 1.740 người…

Ngoài khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, Trạm còn duy trì hoạt động phòng, chống dịch, tổ chức tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, y tế học đường; phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng vườn thuốc nam với nhiều loại thuốc hỗ trợ công tác điều trị.

Bên cạnh đó, với chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, những năm qua, Trạm không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân mà còn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu về y tế - dân số…

Thời gian tới, Trạm tiếp tục tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong mọi lĩnh vực, lồng ghép giữa các chương trình. Đặc biệt là đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên xuống các xóm giám sát dịch bệnh nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202308/giam-tai-cho-y-te-tuyen-tren-8b56382/