Giảm tải công việc tại xã, phường đông dân
Thành phố Hồ Chí Minh đang kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng chính sách đặc thù về biên chế hành chính đối với một số phường, xã có quy mô số dân đông nhằm giảm trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp đặc thù và tình hình phát triển của thành phố.
Hiện nay, nhiều phường, xã ở TP Hồ Chí Minh không chỉ quá tải về giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân mà còn kéo theo nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh và quan trọng hơn là kìm hãm sự phát triển của chính địa phương.
Ở những phường, xã đông dân như: Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân với hơn 123 nghìn nhân khẩu); Hiệp Bình Chánh (Thủ Ðức: 110 nhân khẩu); Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, đều có hơn 120 nhân khẩu), các cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) đang phải gánh một khối lượng công việc rất lớn. Bình quân, mỗi CB,CC,VC mảng tư pháp - hộ tịch phải làm khoảng 20 đầu việc. Hay các CB, CC, VC ở các lĩnh vực khác như đất đai, sao y chứng thực đều rơi vào tình trạng mặc dù có tăng ca, làm thêm giờ cũng không hết việc.
Tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có tất cả 65 biên chế, trong đó có 10 cán bộ chủ chốt, 13 công chức, 42 cán bộ không chuyên trách. Ðối chiếu theo quy định hiện hành thì số lượng nhân sự phân bổ như nêu trên là đủ. Tuy nhiên, xét trên thực tế, số CB,CC,VC hiện có chỉ tương ứng một phần ba khối lượng công việc ở địa phương. CB,CC,VC gặp rất nhiều áp lực, khó khăn trong công việc, nhất là ở một số lĩnh vực "nóng" như đất đai - xây dựng, an ninh - trật tự, văn hóa - xã hội… Minh chứng rõ nhất cho những bất cập này là ở mảng an ninh - trật tự. Theo quy định, mỗi cảnh sát khu vực quản lý, giám sát từ 300 đến 350 hộ dân, ở Bình Hưng có hơn 24 nghìn hộ dân, nhưng chỉ được phân bổ 19 cảnh sát khu vực (trung bình mỗi cảnh sát khu vực phải quản lý hơn 1.200 hộ). Ðể bù lại số cảnh sát khu vực bị thiếu, xã đã tăng cường thêm mỗi ấp từ một đến hai công an viên. Dù vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự vẫn gặp nhiều khó khăn do số dân tăng nhanh, trong khi phần lớn diện tích đất trên địa bàn là dự án "treo", tệ nạn, tội phạm có cơ hội ẩn náu, hoạt động.
TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương nghiên cứu, giao biên chế theo quy mô dân số và tính chất đa dạng, phức tạp của thành phố. Bởi, thành phố là đô thị với tính chất đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí, vai trò, đặc điểm của đô thị đặc biệt cùng với khối lượng công việc giải quyết hằng ngày rất lớn và có xu hướng gia tăng, mức độ phức tạp của công việc càng cao. Mặt khác, thành phố cũng kiến nghị điều chỉnh khung biên chế giao cho các quận, huyện phù hợp đặc thù và tình hình phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, những lĩnh vực mà CB,CC,VC bị quá tải công việc chủ yếu liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường. Những vụ việc, hồ sơ phát sinh ở các lĩnh vực này đều xuất phát từ những bất cập trong công tác quy hoạch. Do đó, để giảm tình trạng này, giải pháp cần thiết trước mắt mà thành phố cần làm là điều chỉnh trong quy hoạch, nâng diện tích đất ở, đồng thời xóa bỏ các dự án "treo" quá lâu…
Hiện nay, nhiều địa phương tại thành phố đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình cải cách hành chính hay như: Tăng giờ làm, trao trả giấy tờ hành chính tận nhà, thực hiện một cửa khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, kinh doanh, kê khai thuế, nhà đất… Trong công tác cải cách TTHC cần tập trung chú trọng vai trò của cấp ủy, người đứng đầu; nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC; cải thiện thái độ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tăng cường giám sát tinh thần, thái độ giao tiếp, ứng xử của CB, CC, VC và triển khai thực hiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
Nếu thực hiện đồng loạt, hiệu quả các giải pháp nêu trên, chắc chắn khối lượng công việc tại các phường, xã đông dân ở thành phố sẽ được giảm tải.