Giảm tham gia trái phiếu, ngân hàng vẫn yên ổn với tín dụng truyền thống

Các ngân hàng là một trong những đối tượng đang được kiểm soát trong việc tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, việc giảm bớt các hoạt động với trái phiếu có thể cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận và hoạt động chung của giới ngân hàng, bởi họ vẫn khá yên ổn với tín dụng truyền thống.

Tỷ trọng trái phiếu vẫn nhỏ so với tín dụng

Các ngân hàng cũng là một trong những nhóm được đề cập tại Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất, với nhiều góc độ khác nhau.

Cụ thể tại công điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (thay mặt Thủ tướng) yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp. Một số trường hợp cần được lưu ý nhiều hơn là các trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Trước động thái hiện nay, một số vấn đề trong hoạt động ngân hàng được đặt ra là liệu việc bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong hoạt động liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh của các ngân hàng hay không?

Về vấn đề này, theo tính toán từ một công ty chứng khoán, hiện tại tỷ lệ tín dụng của Việt Nam ở mức cao, tương đương 146% GDP hay 10,7 triệu tỷ đồng. Trong khi đó quy mô tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành khoảng 1,39 triệu tỷ đồng hay 16,6% GDP. Điều đó cho thấy tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, tinh thần công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng vẫn nêu rõ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…

Do vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, thực tế động thái chấn chỉnh này sẽ làm tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, trong ngắn hạn tốc độ tăng trưởng thị trường có thể bị ảnh hưởng khi tâm lý các nhà đầu tư vẫn lo lắng và chờ đợi các tín hiệu từ thị trường. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch về thông tin trái phiếu, an toàn cho nhà đầu tư và bền vững cho cả nhà phát hành, thì quy mô thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tín dụng ngân hàng vẫn có quỹ đạo riêng

Thực tế cho thấy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái bật “đèn vàng” đối với ngân hàng khi tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ cuối năm 2021, thể hiện ở các quy định có tính chất hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp tại, Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng giai đoạn đầu năm 2022 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng quý I/2022 vẫn tăng trưởng khoảng 5,04%, đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ mấy năm vừa qua và tăng gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (quý I/2021 tín dụng chỉ tăng trưởng 1,26%).

Mặc dù vậy, tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh cũng được các nhà chuyên môn đánh giá do sự phục hồi chung của nền kinh tế, chứ cũng không có cơ sở để cho rằng khi doanh nghiệp bớt huy động vốn từ trái phiếu sẽ lại chuyển qua vay ngân hàng nhiều hơn, làm cho tín dụng ngân hàng bị “nóng” lên.

Ông Nguyễn Duy Thành cho biết, về quy mô, kênh tín dụng gấp 9 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp, nếu chỉ xét trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính thì con số lên tới gần 15 lần, vì thế nhu cầu vốn chuyển sang kênh ngân hàng nếu có thì cũng tăng lên không đáng kể. “Trong khi đó, các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, có tài sản đảm bảo chất lượng vẫn đủ khả năng huy động vốn trung và dài hạn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp như định hướng của Nhà nước” - ông Thành nói.

Sự phục hồi chung của nền kinh tế đã tác động đến dòng vốn ngân hàng không chỉ ở đầu ra, mà thể hiện ở khả năng huy động vốn cũng gia tăng hơn trong thời gian qua. Từ sau Tết Nguyên đán, thị trường đã dần có sự chuyển biến khi các ngân hàng liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới, lãi suất ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, huy động của các ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2022 tăng tương đối khá, ở mức 2,15% so với cùng thời điểm năm 2021 chỉ có 0,54%. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, số liệu trên phần nào cho thấy tín hiệu kênh tiền gửi cũng đã hấp dẫn hơn so với thời gian trước.

Chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết

Nếu nhìn từ kinh nghiệm cuộc khủng hoảng trái phiếu rác (junk bond) năm 2008 tại Mỹ, hay ngay cả trường hợp khủng hoảng nợ của Evergrande tại Trung Quốc thì việc chấn chỉnh, định hướng lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết.

Riêng với các ngân hàng, vai trò của các ngân hàng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần thu hẹp, nhưng để thị trường hoạt động hiệu quả hơn, cần có hệ thống tổ chức xếp hạng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phục vụ nhà đầu tư. - Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Pinetree.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-tham-gia-trai-phieu-ngan-hang-van-yen-on-voi-tin-dung-truyen-thong-103794.html