Giảm thêm áp lực lãi vay với người dân, doanh nghiệp
Các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa thể ngay lập tức kéo giảm lãi suất cho vay do độ trễ chính sách nhưng xác lập rõ xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ hạ nhiệt rõ rệt trong thời gian tới.
Các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa thể ngay lập tức kéo giảm lãi suất cho vay do độ trễ chính sách nhưng xác lập rõ xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ hạ nhiệt rõ rệt trong thời gian tới.
Lần thứ 4 liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất
NHNN cuối tuần qua gây bất ngờ khi lần thứ 4 liên tiếp điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất điều hành. Trong lần điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 19.6 này, các mức lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu giảm thêm 0,5% so với trước đó. Riêng lãi suất tiền gửi VND ở một số sản phẩm giảm nhẹ hơn, ở mức 0,25%.
Quyết định của NHNN được đưa ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tạm hoãn tăng lãi suất.
Công ty Cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, quyết định nhanh chóng của NHNN là động thái phù hợp nhằm đẩy nhanh việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
"Như vậy trong các tuần tới đây, mặt bằng lãi suất sẽ sớm được kéo giảm bao gồm lãi suất huy động, lãi suất cho vay và cả lãi suất liên ngân hàng với mức giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) tùy từng kì hạn” - VCBS nhận định.
Các tổ chức đầu tư cũng nhìn nhận, quyết định của NHNN trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp hơn để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tác động tích cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp
Do đặc thù độ trễ chính sách, các điều chỉnh của NHNN về việc giảm lãi suất huy động sẽ cần thêm thời gian (tương đương 3-6 tháng) trước khi lãi suất cho vay có thể giảm thêm, giúp giảm áp lực cho người vay vốn. Đây được cho là khoảng thời gian cần thiết để các ngân hàng huy động được nguồn vốn giá rẻ hơn, giúp trung hòa và kéo giảm giá vốn đầu vào.
TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu nhận định, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN tạo ra nhiều tác động tích cực đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng. Qua đó, giúp các TCTD có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Tăng trưởng tín dụng cũng được kì vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các nhà băng.
Đáng chú ý, khi lãi suất giảm đối với cả nợ cũ và vay mới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới thông qua vay nợ, phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng hơn, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu kiến nghị cần đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.