Giảm thiểu chất thải nhựa nơi công sở

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg (Chỉ thị 33) về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao và chế tài chưa đủ sức răn đe, tình trạng sử dụng đồ nhựa một lần tại công sở vẫn tràn lan.

Shipper giao cà phê được đựng trong sản phẩm nhựa dùng một lần

Shipper giao cà phê được đựng trong sản phẩm nhựa dùng một lần

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg (Chỉ thị 33) về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó, yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở. Tuy nhiên, do ý thức chưa cao và chế tài chưa đủ sức răn đe, tình trạng sử dụng đồ nhựa một lần tại công sở vẫn tràn lan.

Bừa bãi hộp cơm, ly nhựa

Dạo quanh một số công sở, cao ốc văn phòng tại TPHCM, tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến. Tại cao ốc văn phòng M.T. trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), cứ tầm 12 giờ trưa là tấp nập đội quân shipper, xe ôm công nghệ giao đồ ăn cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cao ốc. Nào là cơm hộp, trà sữa, cà phê, nước mía, bún cháo… được liên tục giao tận tay người nhận với những túi ni lông to tướng. Khệ nệ hai tay xách túi ni lông cơm hộp, chị N.T. Trang, nhân viên văn phòng, cho biết: “Sáng, trưa, chiều, tụi em đều đặt đồ ăn thức uống giao đến. Toàn dùng đồ nhựa một lần chứ mấy khi được đồ tái chế”.

Tình cảnh này cũng rất dễ bắt gặp tại các trụ sở, văn phòng cho thuê, nhất là thời điểm buổi trưa. Sự tiện dụng cũng như khả năng chuyển đổi sang các đồ nhựa dùng một lần của nhà cung cấp, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, chưa cao nên người tiêu dùng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”. “Tụi em dùng xong thì bỏ luôn, khỏi rửa ráy gì mất công, mà cũng chẳng bận tâm có phân loại, tái chế gì”, N.H. Anh, nhân viên tại một trụ sở hành chính nhà nước ở quận 10, thổ lộ. Qua ghi nhận, rất nhiều người, thậm chí các bạn trẻ đều có suy nghĩ như N.H. Anh, bởi thiếu ý thức, chưa có sự giám sát, xử phạt, ngay cả tại một số cơ quan có bố trí các thùng rác phân loại (gồm rác hữu cơ, rác tái chế) nhưng đa phần vẫn vứt bừa bãi.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân, doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự chuyển bộ dần trong ý thức bảo vệ môi trường. Tại một số cơ quan, đơn vị, các phòng họp nội bộ thay vì dùng nước đóng chai nhựa, ly nhựa đã chuyển sang dùng bình nước nóng - lạnh và khay ly thủy tinh. Một số ít doanh nghiệp bán hàng online, cà phê “mang đi” cũng đã sử dụng sản phẩm thân thiện để gói, đựng thức ăn, nước uống. Đó là ly giấy, túi giấy, ống hút bằng tre... Từ đầu tháng 11-2019, Grabfood - trang mạng đặt thức ăn - đã phát động phong trào “Giảm nhựa, sống xanh”. Theo đó, khi đặt món ăn, người tiêu dùng tại TPHCM đã lựa chọn hộp bã mía thay cho hộp xốp, cùng các sản phẩm đi kèm như muỗng, bao gói thực phẩm không phải là nhựa dùng một lần.

Cần chế tài mạnh tay

Nhằm bảo vệ môi trường, hưởng ứng lối sống xanh, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019-2021, với mục tiêu đến hết ngày 31-12-2020 có 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Theo đó, từ ngày 1-8-2019, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của đơn vị. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330-500ml) trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường; không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế... và tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp. Từ năm 2020, Sở Tài chính không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần… Thế nhưng, theo ghi nhận, đến nay các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có sự kiểm tra, giám sát thấu đáo tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; việc chấp hành vẫn chưa kiên quyết và chưa đồng bộ đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.

Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ nhiệm vụ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, chủ cửa hàng… là chấp hành nghiêm việc giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải trong ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Theo các chuyên gia môi trường, nếu không kiên quyết các chế tài bắt buộc, không quy trách nhiệm người đứng đầu công sở thì khó kiểm soát việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

ĐOÀN HIỆP

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-thieu-chat-thai-nhua-noi-cong-so-684130.html