Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa
Rác thải nhựa (RTN) đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, cùng với cả nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã triển khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ RTN.
Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), RTN chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Ở nước ta, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người, cảnh quan. Đối với địa bàn tỉnh ta, ô nhiễm môi trường từ TRN cũng là vấn đề đáng quan tâm, trong bối cảnh việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ về "Phong trào chống RTN”, năm 2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 62-CT/TU ngày 30/7/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào "Chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình". Trong 3 năm qua, các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Theo đó, trên toàn tỉnh tổ chức hơn 180 hội nghị, lớp tập huấn, cuộc tuyên truyền về chống RTN; hơn 50 lớp hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao bì sau sử dụng; tổ chức các lễ phát động, giao lưu truyền thông về phong trào chống RTN. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức về môi trường, tặng túi dùng nhiều lần và túi nilon có khả năng phân hủy cho người dân.
Hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã và đang duy trì nhiều phong trào, mô hình hoạt động hiệu quả về bảo vệ môi trường, chống RTN. Như Hội LHPN các cấp đang triển khai và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; 23 mô hình "Mỗi rác thải là một cây xanh”, "Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, "Thôn, xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”. Hội Nông dân tỉnh triển khai hỗ trợ 4 mô hình điểm về "Thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, xử lý môi trường làng nghề và thu gom vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng”. Đoàn Thanh niên với nhiều hoạt động thông qua "Ngày Chủ nhật xanh” và "Ngày thứ Bảy tình nguyện”.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phong trào "Phòng, chống RTN”, giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy ngày càng được chú trọng, nhất là trong dịp hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tổng hợp và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường: Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 62-CT/TU, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chống RTN đã thu được những kết quả nhất định; tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon của người dân đã có từ lâu vì sự tiện lợi, giá thành rẻ, thuận tiện trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa nhiều, giá thành cao, chưa có chính sách hỗ trợ về giá cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn còn sử dụng bao bì nhựa để đóng gói sản phẩm, chưa có giải pháp thay thế nên lượng RTN, túi ni lông phát sinh còn nhiều. Các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa đồng bộ, đặc biệt là chế tài xử phạt và chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa, túi ni lông. Ngoài ra, công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải hiện nay chưa đồng bộ, từ đó dẫn đến bất cập trong công tác phòng, chống RTN.