Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch

Ngày 27.5, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch 2024.

Hội thảo Giảm thiểu rác nhựa trong lĩnh vực Du lịch tại Ninh Bình ngày 27.5. Ảnh: BTC

Hội thảo Giảm thiểu rác nhựa trong lĩnh vực Du lịch tại Ninh Bình ngày 27.5. Ảnh: BTC

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình Dương Thị Thanh, rác thải nhựa đang là vấn nạn lớn của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trên thế giới, mỗi năm sử dụng khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế, 19 - 23 triệu tấn thải ra hồ, sông, biển. Khoảng 1.000 tỷ túi nhựa/năm và 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng mỗi ngày.

Tại Việt Nam, lượng sản phẩm được làm từ nhựa tăng từ 3,8kg/người vào năm 1990 lên 33kg/người vào năm 2010 và 41kg/người vào năm 2015, đến 2019 là 81kg/người. Năm 2022, Việt Nam thải ra 2,4 triệu tấn rác thải nhựa, được thu gom là 2,4 triệu tấn và được tái chế 0,77 tấn, thải ra môi trường 0,42 tấn.

Nếu tình hình này vẫn tiếp tục, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa và đến 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn số cá. Đặc biệt, các sản phẩm nhựa này phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy. Chúng làm ô nhiễm nguồn nước, đất, đi vào chuỗi thức ăn của người, gây nguy hại đến cuộc sống của các sinh vật biển và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, điểm đến du lịch. Có nhiều điểm đến như bãi biển ở vịnh Maya Thái Lan, đảo Boracay của Philippines... phải tạm thời đóng cửa vì ô nhiễm rác thải nhựa.

Bà Dương Thị Thanh cho rằng cần kêu gọi, tuyên truyền cho người thân, bạn bè và khách du lịch hạn chế rác thải nhựa. Mỗi người hãy là một người tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho người khác về tầm quan trọng của hành động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo vệ điểm đến.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí nhấn mạnh, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 là phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm góp phần đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra mắt dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam kết hợp cùng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường với sự tài trợ, đồng hành của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Sau gần 1 năm rưỡi thực hiện, dự án đã thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch.

Một số điểm đến, khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành… tại Ninh Bình và Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, sáng kiến triển khai thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch và gặt hái được thành công.

Chuyên gia trao đổi với người chèo thuyền/lái đò, ca nô Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: BTC

Chuyên gia trao đổi với người chèo thuyền/lái đò, ca nô Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: BTC

Tại sự kiện, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chia sẻ về bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025, 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Để đạt được điều này cần thực hiện các nhiệm vụ chính là: tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí công nhận Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và Ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội Du lịch; nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người dân, du khách...

Các đại biểu cũng thảo luận, chia sẻ một số ứng dụng, mô hình hay nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Trong đó đề xuất một số giải pháp như: tập trung tập huấn kiến thức, kỹ năng đào tạo cán bộ, người lao động trở thành người tiên phong, làm gương để mỗi điểm đến sẽ là điểm sáng điển hình về giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững...

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/giam-thieu-rac-thai-nhua-trong-linh-vuc-du-lich-i372982/