Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của đồng bào

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tuy giảm, nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của đồng bào DTTS. Để giảm thiểu vấn nạn này, nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra, trong đó, tuyên truyềnđể nâng cao nhận thức trong đồng bào là giải pháp quan trọng.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: Hệ lụy khôn lường

Tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là tập tục tồn tại từ rất lâu ở nhiều vùng, miền nhưng phổ biến vẫn là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em; làm suy giảm giống nòi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và chất lượng kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Tưởng, Phó trưởng khoa dân tộc và tôn giáo Học viện Chính trị khu vực 2 thành phố Hồ Chí Minh, thông tin cho biết, hiện nay theo thống kê, tỷ lệ trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết, có tới 25% khả năng bị bệnh và có khoảng 50% mang những gen bệnh về tan máu bẩm sinh di truyền. Hiện bệnh này chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Còn trong cả nước, hiện nay Việt Nam có hơn 5 triệu người mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh, được xếp vào khu vực có nguy cơ cao. Tỷ lệ mang gen bệnh cao chủ yếu tập trung ở vùng khó khăn, vùng DTTS và vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Căn bệnh này di truyền cho thế hệ sau và làm suy thoái giống nòi và trở thành gánh nặng cho cả gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con ra rất dễ bị tử vong, bệnh tật, dẫn đến cuộc sống gặp khó khăn và nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao.

Đối với tảo hôn, đặc biệt với trẻ em gái, kết hôn ở độ tuổi dưới 15, sẽ có nguy cơ chết do mang thai khi sinh cao hơn so với phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 20 tuổi. Những biến chứng do mang thai khi cơ thể trẻ em gái chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của hàng chục nghìn trường hợp mỗi năm của các bà mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi.

“Thực tế cho thấy, vấn nạn tảo hôn tạo ra những rào cản rất lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều dẫn tới việc kết thúc con đường học hành rất sớm, đa số dừng lại ở lớp 9. Rất ít trường hợp vẫn tiếp tục được đến trường sau khi lấy chồng. Điều đó có nghĩa là học vấn của phụ nữ tảo hôn rất thấp và không có cơ hội để phát triển sau này”- ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La chia sẻ.

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Các tỉnh có tỷ lệ nghèo đói cao, đồng thời, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng gia tăng.

Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp quốc: Giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch.

Hủ tục vẫn còn tiếp diễn nặng nề

Nhiều năm qua, nhiều giải pháp giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được đưa ra. Đơn cử như năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025". Ngay sau khi Đề án được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, cho tới nay, nạn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn biến đáng quan ngại. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay thì Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, sau đó đến vùng Trung du miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung. Còn theo thống kê về mặt dân tộc, tất cả 53 dân tộc đều tình trạng tảo hôn. Trong đó, 5 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao nhất hiện nay đó là dân tộc Mông, Cờ Lao, Mảng, Xinh Mun, Mạ.

Nhằm đạt được kết quả cao hơn nữa trong thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025", Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ quyết định tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030-Tiểu dự án 2 Dự án 9.

Qua đó, nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Tuyên truyền- giải pháp quan trọng để thay đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719); nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được đưa ra, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; gặp gỡ trực tiếp các đối tượng đang có ý định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để can thiệp, ngăn chặn được cho là giải pháp hiệu quả nhất.

Đánh giá công tác tuyên truyền, vận động có vai trò quan trọng trong giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thủy, Phó khoa Sản phụ khoa của Bệnh viện Hồng Hưng cho hay: “Bản thân tôi đã từng đi tuyên truyền về giáo dục sức khỏe sinh sản cho người dân rất nhiều lần. Tôi nhận thấy, cần phải nâng cao kiến thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, chúng ta cần đổi mới cách tuyên truyền, tạo cho người dân có điều kiện sống tốt hơn với mục tiêu, mỗi người dân phải là một tuyền truyền viên chứ không nhất thiết phải là cán bộ y tế. Người dân phải nắm được kiến thức, thông tin về hệ lụy của tảo hôn qua các kênh thông tin khác nhau, từ đó, chính người dân sẽ tuyên truyền cho người dân, họ hàng, người quen, hàng xóm, láng giềng”.

Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền, thời gian qua, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, việc tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được triển khai sâu rộng trong các trường phổ thông dân tộc và trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại nhiều địa phương.

Như tại Cao Bằng, để thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, các huyện cũng đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn tại các xóm, xã, các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh; cung cấp sổ tay tuyên truyền cho thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, tổ tư vấn tại các xóm.

Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 6 cụm panô và đang triển khai xây dựng 18 panô tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Cấp phát 20.080 tờ rơi tuyên truyền, trong đó có 2.080 tờ phiên dịch bằng tiếng Mông, Dao. Bên cạnh đó, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được 34 vụ, can thiệp hoãn cưới được 16 vụ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên thực hiện ở các cấp.

 Tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại Cao Bằng.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại Cao Bằng.

Tại nhiều địa phương tại Cao Bằng cũng có những phương pháp tuyên truyền khá sáng tạo. Tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, chính quyền địa phương đã phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xuân Trường triển khai nhiều biện pháp phù hợp. Trước hết, xây dựng kế hoạch thành lập đoàn tuyên truyền tại các xóm; phát huy vai trò gương mẫu của Người có uy tín, cùng người dân xây dựng mô hình gia đình, dòng tộc, thôn, xóm không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hay ở xã Quang Trung, huyện Hòa An, xã đã tổ chức tuyên truyền và đề nghị các hộ dân tại các xóm trên địa bàn ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. "Từ khi triển khai thực hiện cho các hộ ký cam kết đến giờ chưa có hộ nào vi phạm và chưa có cặp vợ chồng nào vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"- ông Nông Thanh Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết.

Hay như tại Gia Lai- tỉnh từng là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai Rah Lan HNhum cho biết: Hiện nay, Hội LHPN xã đã xây dựng được 14 mô hình, câu lạc bộ (CLB), trong đó, CLB “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” được thành lập nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ và người dân. Câu lạc bộ sinh hoạt thường kỳ 1 tháng/lần.

 Gia Lai đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyên phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Gia Lai đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyên phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tại các buổi sinh hoạt, thành viên CLB được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về sức khỏe sinh sản, tình yêu và giới tính... Qua đó, giúp nữ thanh niên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè và những người xung quanh; cách thức tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội...

Sau buổi sinh hoạt định kỳ, các thành viên CLB sẽ thường xuyên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp làng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”.

Không chỉ Gia Lai, Cao Bằng mà nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều mô hình, cách làm hay nhằm kéo giảm và tiến tới đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Và để tiếp tục thay đổi nhận thức của đồng bào về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân phải tiếp tục được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn nữa. "Mưa dầm thấm lâu”, có như vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-thieu-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-day-manh-tuyen-truyen-de-thay-doi-hanh-vi-nhan-thuc-cua-dong-bao-post274969.html