Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn của đội thi xã Nhất Hòa trong Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

Tiểu phẩm tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn của đội thi xã Nhất Hòa trong Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025, ban đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình cả giai đoạn và hằng năm. Trong đó, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường cung cấp tài liệu, thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan tới lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, người dân trong vùng đồng bào DTTS; duy trì hoạt động các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Theo đó, các cấp, ngành chú trọng hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS. Các hoạt động tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu, đổi mới phương pháp, chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên ở vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 500 cuộc tuyên truyền, truyền thông, tư vấn pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực có nội dung liên quan đến phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với trên 98.000 lượt người tham gia; cấp phát trên 64.000 sổ tay, tờ rơi các loại về các nội dung liên quan…

Đơn cử tháng 8/2024, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức thành công hội thi “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, với gần 150 cán bộ, đoàn viên đến từ 18 đoàn cơ sở xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Chị Đồng Thị Loan, Bí thư Chi đoàn thôn Gia Hòa 1, xã Nhất Hòa (đơn vị đạt giải nhất hội thi) chia sẻ: Qua hội thi, chúng tôi nâng cao kiến thức liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình; hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; sức khỏe sinh sản vị thành niên... Đồng thời, đây là dịp để chúng tôi trao đổi kỹ năng tuyên truyền, có thêm kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác này.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, Ban Dân tộc tỉnh còn chỉ đạo duy trì và triển khai mô hình điểm tại các xã, huyện có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì 2 mô hình tại xã Ái Quốc và xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình; thành lập 2 mô hình tại xã Mẫu Sơn và xã Công Sơn, huyện Cao Lộc.

Đơn cử xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình có 9 thôn, hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, trước đây là "điểm nóng" về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2021, xã được lựa chọn triển khai thực hiện mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS. Qua thực hiện mô hình, nhận thức của người dân dần được nâng cao. Năm 2023, toàn xã có 18 cặp kết hôn, không có trường hợp tảo hôn (giảm 6 trường hợp so với năm 2022); từ đầu năm 2024 đến nay, xã cũng không ghi nhận trường hợp tảo hôn nào. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã cũng không còn hôn nhân cận huyết thống.

Với những giải pháp thiết thực hiệu quả, đồng bào DTTS ngày càng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Nếu như giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 750 cặp tảo hôn (621 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng; 129 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 2,35% tổng số cặp kết hôn; 3 cặp kết hôn cận huyết thống; thì giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 230 cặp kết hôn tảo hôn (200 cặp kết hôn tảo hôn vợ hoặc chồng; 30 cặp kết hôn tảo hôn cả vợ và chồng), chiếm 2% tổng số cặp kết hôn; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 12 cặp kết hôn tảo hôn, chiếm 1% so với tổng số cặp kết hôn trên địa bàn tỉnh, không có hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tạo ra những hệ lụy xấu mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức. Để ngăn ngừa, xóa bỏ triệt để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, mỗi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, quản lý, định hướng con em thực hiện đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giam-thieu-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-5021559.html