Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai: Chủ động kịch bản ứng phó
Từ năm 2015 đến nay, thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, đời sống dân sinh. Mùa mưa bão năm 2016 đang đến gần, dự kiến diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi phải có kịch bản chủ động phòng, chống trong mọi tình huống, với phương châm chính là phòng cho tốt, khi có sự cố thì ứng phó nhanh và hiệu quả...
Mới dừng ở mức xử lý tình huống
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2015 đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 17.800 tỷ đồng, trong đó riêng 4 tháng đầu năm 2016, thiệt hại hơn cả năm 2015 với 9.735 tỷ đồng; 475.580 hộ dân bị thiếu nước; 290.368ha lúa, hoa màu và 161.365ha cây công nghiệp, cây ăn quả, 7.145ha thủy sản bị thiệt hại… Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - địa phương chịu khô hạn nghiêm trọng nhất cả nước - cho biết, hiện tượng El Nino đã khiến toàn tỉnh thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng, tác động tiêu cực tới đời sống của người dân cũng như sản xuất.
Ngoài ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các công trình phòng, chống thiên tai ở các địa phương đều thiếu, xuống cấp nghiêm trọng và không hiệu quả cũng ảnh hưởng đến việc chống hạn. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, các công trình thủy lợi của tỉnh đã hư hỏng nên khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Kinh phí chống hạn, khắc phục hậu quả thiên tai chưa được bố trí kịp thời và ít so với nhu cầu thực tế của địa phương.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai còn nhiều khó khăn do việc quy hoạch, xây dựng đô thị, bố trí dân cư, quy hoạch sử dụng đất còn bất cập. Hệ thống thoát nước ở các đô thị chưa bảo đảm nên xảy ra ngập lụt trên diện rộng khi có mưa lớn. Nguồn lực, trang thiết bị cho công tác phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với nhiều loại hình thiên tai. Kinh phí đầu tư cho các công trình phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hẹp nên mới dừng ở mức xử lý tình huống, chưa bài bản, gây khó khăn cho người dân cũng như các địa phương. Những biện pháp của ngành Nông nghiệp và các địa phương đang triển khai có thể thấy mới dừng ở xử lý tình huống. So với những diễn biến thực tế hết sức phức tạp, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm.
Cần chủ động mọi phương án
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để chủ động ứng phó với những diễn biến của thiên tai, trong những tháng tiếp theo năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng hoàn thành dự thảo quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại trình Chính phủ sớm ban hành. Các địa phương trên cơ sở cân đối nguồn nước cho năm 2016, cần xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý; xem xét điều chỉnh theo hướng chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác.
Ngoài ra, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn; điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Các đơn vị của Bộ cần phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới. Đặc biệt, cần sớm nhân rộng các giống cây trồng chịu hạn, mặn. Ngoài ra, sớm rà soát hệ thống thủy lợi tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên... để có hướng ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Đối với các vùng nuôi trồng thủy, hải sản, cần căn cứ vào dự báo thời tiết và tình trạng xâm nhập mặn để điều chỉnh lịch mùa vụ, thả nuôi trong điều kiện nhiệt độ và độ mặn cho phép. Các địa phương cần trồng bổ sung cây thức ăn xanh, dự trữ nguồn thức ăn thô, nước uống, bảo đảm cung cấp cho các đàn gia súc, gia cầm trong trường hợp xảy ra hạn hán dài ngày. Hiện Bộ NN&PTNT đang kêu gọi các tổ chức nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống thiên tai. Theo đó, sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách, nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho các địa phương, bộ, ngành kịp thời khắc phục hậu quả và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tập trung vào lũ, bão, sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương cần khắc phục những yếu kém hiện nay trong công tác phòng, chống thiên tai. Hiện thời tiết đang diễn biến bất thường. Vì vậy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác "4 tại chỗ" để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Có kịch bản chủ động phòng, chống trong mọi tình huống và ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai với phương châm chính là phòng cho tốt, khi có sự cố thì ứng phó nhanh và hiệu quả.