Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm 2023 có chủ đề 'Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh' nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái.
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 113,9 nam/100 nữ, năm 2022 là 111,2 nam/100 nữ. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế và giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn thuộc nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao so với toàn quốc và có nguy cơ tăng trở lại. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, Chi cục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn chuyển đổi hành vi cho người dân về vấn đề MCBGTKS. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình có tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi và nam giới được coi là trụ cột, là người kiếm tiền chính trong gia đình. Tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán, can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi còn diễn ra. Việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế. Hình thức xử lý, kỷ luật đối với người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Thêm vào đó là định kiến giới nằm ngay trong sự bất bình đẳng giới, trong các hoạt động về DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, sự tham gia của nam giới vào công tác dân số còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò bởi hiện nay việc quyết định số con thường do chồng và gia đình người chồng quyết định... Từ những suy nghĩ, định kiến trên dẫn đến tâm lý phải đẻ được con trai, thúc đẩy việc lựa chọn giới tính thai nhi, trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiện tượng MCBGTKS.
Để từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng MCBGTKS, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp đã ban hành một số văn bản nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân số và phát triển nói chung, cũng như hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, giải quyết tình trạng MCBGTKS. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra về MCBGTKS, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý...
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết thêm: Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái vừa qua, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương truyền thông, tuyên truyền về nội dung phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tạo dư luận xã hội ủng hộ, xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi… Từ đó góp phần thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, từng bước làm thay đổi nhận thức, tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.