Giảm thời gian thử thách cho 2 bị cáo vụ chìm tàu ở Cần Giờ làm 9 người chết
HĐXX nhận định vụ tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng làm chín người chết, kháng cáo kêu oan của bị cáo không có chứng cứ để chấp nhận.
Sáng 19-5, sau nhiều ngày nghị án, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ làm 9 người chết.
Bị cáo Vũ Văn Đảo (SN 1968, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina) và Đinh Văn Quyết (SN 1980, Giám đốc Công ty CP Vũng Tàu Marina) bị tuyên phạt mỗi bị cáo ba năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là ba năm sáu tháng (giảm 18 tháng so với án sơ thẩm) cùng về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
HĐXX nhận định, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do chở quá số lượng người quy định và một số nguyên nhân khác như phương tiện hành trình không được phép hoạt động, người điều khiển phương tiện không phù hợp... Vụ tai nạn gây ra hậu quả nghiêm trọng làm chín người chết, kháng cáo kêu oan của bị cáo không có cơ sở để chấp nhận.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định chấp nhận một phần kháng cáo, giảm thời gian thử thách cho hai bị cáo như đã nêu trên.
Trước đó, ngày 12-5 tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đảo và Quyết vẫn giữ nguyên đơn kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Đảo cho rằng hành vi trong cáo trạng nêu là suy diễn, quy chụp. Bị cáo Đảo và bị cáo Quyết không có quyền và cũng không thể điều động được tàu của lực lượng vũ trang. Vì không có quyền sử dụng tàu nên ông Đảo cho rằng mình không có hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa, bị cáo đưa ra quan điểm tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, việc chứng minh tội phạm cần tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật để tránh việc oan sai làm cho hậu quả tai nạn lớn thêm.
Theo cáo trạng, ngày 2-8-2013, tàu BP 12-04-02 do Công ty Việt Séc sản xuất, chở 30 người đi từ Tiền Giang lên Vũng Tàu thì bị lật ngoài vùng biển Cần Giờ.
Kết luận điều tra bổ sung xác định, ông Đảo là người chỉ đạo nhân viên Công ty Việt Séc và nhân viên Công ty Marina sử dụng ba tàu, trong đó có tàu bị nạn vận chuyển hành khách. Còn ông Quyết là người trực tiếp liên hệ, giao dịch với Công ty PV PIPE để thống nhất việc vận chuyển hành khách, báo cáo lại và chịu sự chỉ đạo của ông Đảo.
Chiều 2-8-2013, biết rõ tải trọng và công năng của tàu nhưng ông Đảo vẫn chỉ đạo mượn hai chiếc tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 của bộ đội biên phòng để đưa đón nhân viên Công ty PV PIPE tại tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, ông này còn trực tiếp lái chiếc tàu H790 HQ đi cùng.
Ông Đảo biết rõ tàu thiết kế dùng vào mục đích tuần tra, đi ở vùng sông, vịnh và chỉ chở được 12 người, nhưng vẫn điều động tàu sử dụng không đúng mục đích, đi vào vùng biển và chở 28 người. Đây là nguyên nhân gây ra tai nạn.
Ông Nguyễn Văn Quyết biết tình trạng an toàn, hành trình được phép của tàu, nhưng khi được chỉ đạo của ông Đảo, Quyết vẫn điều động ông Phạm Duy Phúc cùng các nhân viên dùng tàu đi chở khách…
Trước đó, ngày 26-11, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Đảo và bị cáo Quyết cùng mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn".