Giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu: Ý kiến bất ngờ từ chuyên gia
Trước đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, mỡ, nhờn để áp dụng trong năm 2024, nhiều chuyên gia bất ngờ chuyển từ phản đối sang ủng hộ, cho rằng đây là chính sách thiết thực trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn hiện nay.
Ngân sách dự kiến giảm thu hơn 42.000 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin ý kiến về dự án nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít.
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Nghĩa là thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị, chính sách này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại thực hiện theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 38.929 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) giảm khoảng 42.822 tỷ đồng.
Mặc dù tác động làm giảm thu ngân sách, việc ban hành các chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn lại mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước từng giai đoạn. Trong khi xăng dầu là mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất cũng như đời sống người dân, do đó, việc giá xăng dầu nói chung tăng, giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô. Sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thực tế cho thấy, mức thuế BVMT được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao) đã kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần làm giảm chỉ số CPI, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh vĩ mô của Đảng, Nhà nước đề ra.
Được nhiều hơn mất
Nếu năm 2022, đề xuất giảm thuế BVMT với xăng dầu đưa ra gặp nhiều ý kiến trái chiều thì trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hiện nay, giới chuyên gia lại đồng tình.
Sau thời gian triển khai chính sách giảm thuế môi trường với xăng dầu, chính sách này cho thấy hiệu quả thiết thực và việc tác động tới môi trường là không đáng kể. Do đó, đề xuất lần này của Bộ Tài chính nhận được ý kiến đồng tình cao của giới chuyên gia, thậm chí nhiều chuyên gia "quay xe" từ phản đối sang ủng hộ.
Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù tác động làm giảm thu ngân sách, việc ban hành các chính sách giảm mức thuế BTMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn lại mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính nên nghiên cứu thời gian giảm thuế ở mức 6 tháng trước, sau đó căn cứ vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để tiếp tục cân nhắc kéo dài đến hết năm hay dừng lại” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ “được nhiều hơn là mất”. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế BVMT với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong ngắn hạn, cơ bản, việc kéo dài thời gian giảm thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn. Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.