Giảm thuế cho doanh nghiệp: Chỉ căn cứ doanh thu và lao động là chưa đủ

Theo một số đại biểu Quốc hội, nên căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận hoặc doanh nghiệp có doanh thu năm nay giảm hơn năm trước để giảm thuế.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu tại tổ - (Ảnh Mỹ An).

Sáng 11/6 Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Đều đồng ý giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, song nhiều đại biểu cho rằng nếu chỉ căn cứ vào hai tiêu chí như trên thì chưa thực sự chính xác.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phân vân rằng, nếu xác định theo hai tiêu chí trên thì còn rất cào bằng. Để không cào bằng, theo đại biểu, ngoài xác định tiêu chí đặc thù cho một số ngành nghề cũng nên loại trừ những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít thì không nên hỗ trợ, nên lấy tỷ suất lợi nhuận để so sánh, đại biểu Tuyết đề nghị.

Khẳng định dù ngân sách khó khăn nhưng giảm thuế cho doanh nghiệp vẫn cần thiết, song đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) băn khoăn về đối tượng được hỗ trợ. Vì, nếu chỉ theo hai tiêu chí là doanh thu và lao động thì chưa thực sự khách quan và đảm bảo như mục tiêu được nêu tại dự thảo là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế.

Bà Hoa Ry đề nghị nên căn cứ tiêu chí doanh nghiệp có doanh thu 2020 giảm sâu so với năm 2019.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì nhiều doanh nghiệp nói rằng doanh thu nhiều chưa hẳn thu nhập cao, vì thời gian qua có sản phẩm bán dưới giá để kích thích tiêu dùng, doanh thu tăng nhưng thu nhập thì không có.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng băn khoăn rằng, tại sao chỉ có doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người mới được giảm thuế? Nếu doanh nghiệp chỉ có doanh thu 50 tỷ mà có 200 lao động thì còn khó khăn hơn chứ, tại sao không giảm cho họ, chỉ nên lấy một tiêu chí về doanh thu thôi, ông Ngân phản biện.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra nội dung Chính phủ trình), đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) nói, giảm thuế là cách làm truyền thống, năm 2013 khủng hoảng kinh tế thì Chính phủ cũng trình Quốc hội ra nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhưng lần này có ưu điểm hơn là không áp dụng diện rộng như lần trước mà còn có hai tiêu chí để phân biệt nên cơ quan quản lý thuế có thể khoanh vùng, ông Nhã so sánh.

Chia sẻ để xuất về những tiêu chí mới của đại biểu, song Phó chủ nhiệm Đinh Văn Nhã cho rằng làm được như thế thì rất là khó. Ông Nhã cũng thừa nhận đúng ra là doanh nghiệp nào tác động nặng thì được giảm sâu nhưng cơ quan quản lý thuế chỉ có thể thấy rõ nhất tác động đến doanh nghiệp qua doanh thu.

Nếu lấy tiêu chí doanh thu năm nay giảm hơn năm trước thì nghiễm nhiên loại trừ hàng ngàn doanh nghiệp mới thành lập năm nay, như thế muốn công bằng thì lại không công bằng, ông Nhã phân tích.

Còn nếu căn cứ tỷ suất lợi nhuận thì lại vô cùng khó, nên thuận lợi là hai tiêu chí như Chính phủ trình thì cán bộ thuế cấp đội họ cũng nắm được, thuận cho cơ quan quản lý, ông Nhã phát biểu.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-thue-cho-doanh-nghiep-chi-can-cu-doanh-thu-va-lao-dong-la-chua-du-d123960.html