Giảm thuế giá trị gia tăng 2%: Chính sách bứt phá chưa từng có
Trao đổi với phóng viên TBTCO, luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng là một chính sách bứt phá chưa từng có, bởi thuế giá trị gia tăng là một sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả các hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân.
Doanh nghiệp được "lợi đơn, lợi kép" từ việc giảm thuế giá trị gia tăng
Trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua nhằm hỗ, ...
PV: Thưa bà, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022. Dưới góc nhìn của người làm công tác tư vấn pháp luật, bà đánh giá như thế nào về chính sách này?
Ls Lê Thị Hồng Vân: Theo tôi được biết, nghị quyết về chính sách tài khóa sẽ thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022 cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% xuống còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: NM.
Như chúng ta đều biết, thuế GTGT là loại thuế “đánh” vào người tiêu dùng, thông qua việc phân phối hàng hóa dịch vụ của các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong hai năm vừa qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Do đó, lượng tiêu thụ sản phẩm giảm đi rất nhiều do nền kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, lượng cầu hạn chế rõ rệt.
Để thúc đẩy nền kinh tế, Nhà nước đã cho ra đời nhiều chính sách kịp thời để ứng phó với sự khó khăn, cũng như hỗ trợ người dân, người tiêu dùng ở mức độ tốt nhất.
Việc giảm 2% thuế GTGT là một chính sách bứt phá chưa từng có, bởi thuế GTGT là một sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả các hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Chính vì vậy, việc giảm thuế sẽ giúp cho cả doanh nghiệp, người dân đều được hưởng lợi.
Việc cho ra đời chính sách tài khóa này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi sản xuất do đã bị ngừng trệ trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, đồng thời kích thích người dân mua sắm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Ls Lê Thị Hồng Vân: Giảm thuế giá trị gia tăng 2% là chính sách bứt phá chưa từng có
PV: Ngoài chính sách giảm thuế GTGT, nghị quyết cũng hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo luật sư thì cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào để các đối tượng được thụ hưởng?
Ls Lê Thị Hồng Vân: Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, tôi cho rằng, đây cũng là một chính sách nằm trong chuỗi hộ trợ, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong và sau đại dịch.
Chúng ta đều thấy rõ, tình trạng nhiều doanh nghiệp “chết yểu” trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài, một số thì thoi thóp, cầm chừng do thiếu hoặc cạn vốn. Do đó, chính sách mới này đã đem đến những hy vọng cho nhiều doanh nghiệp có thể phục hồi.
Tuy nhiên, khái niệm “một số ngành, lĩnh vực quan trọng” cần được làm rõ và có hướng dẫn cụ thể hơn, tránh tình trạng địa phương này, ngân hàng này cho ngành nghề này là quan trọng, nhưng nơi khác, ngân hàng khác lại cho rằng không quan trọng.
Đồng thời, việc phân định cụ thể ngành, lĩnh vực quan trọng cũng góp phần làm minh bạch các chính sách, tránh tình trạng trục lợi từ những quy định không rõ ràng.
Các cơ quan như sở kế hoạch đầu tư, sở tài chính cần đưa ra các danh mục cụ thể về ngành, lĩnh vực quan trọng. Ngân hàng cần thống nhất cách áp dụng cho các doanh nghiệp. Có như vậy, việc cho vay và sử dụng nguồn vốn mới đạt hiệu quả, phát huy tính tích cực và ưu việt của chính sách mới.
PV: Thuế GTGT được đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Do đó, việc giảm thuế suất thuế GTGT sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế. Theo bà thì sự tác động này đến nền kinh tế như thế nào?
Ls Lê Thị Hồng Vân: Như tôi đã nêu ở trên, đây là chính sách bứt phá chưa từng có, thể hiện sự quan tâm sâu rộng của Đảng, Nhà nước đối với nền kinh tế đất nước, sự sống còn của các danh nghiệp, hợp tác xã, cũng như đời sống người dân.
Doanh nghiệp tin tưởng hơn vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân cũng đặt nhiều niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Bản thân là người hành nghề luật, đã từng tiếp cận nhiều sự thay đổi của hệ thống pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên, trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành rất nhiều chính sách ưu việt nhằm hướng tới nền kinh tế đất nước, cũng như đời sống người dân.
Khi các chính sách này được áp dụng sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tất cả đều bình đẳng như nhau để cùng phát triển, thì nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và lớn mạnh.
PV: Xin cảm ơn bà!