Giảm thuế, tăng lương sẽ kích cầu tiêu dùng?

Từ đầu năm tới nay, nền kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng yếu. Việc lương cơ bản tăng và giảm nhiều loại thuế, phí kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Giảm giá sâu để kích thích sức mua

Theo ghi nhận của PV tại một số chợ truyền thống ở khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thành Công, Hai Bà Trưng cho thấy, hàng hóa phong phú, dồi dào, giá cả khá ổn định. Ở các chợ khu vực trung tâm, giá cả các mặt hàng có cao hơn so với khu vực khác.

Siêu thị liên tục thực hiện các chương trình kích cầu giảm giá sản phẩm để thu hút người dân tăng chi tiêu.

Siêu thị liên tục thực hiện các chương trình kích cầu giảm giá sản phẩm để thu hút người dân tăng chi tiêu.

Chị Nguyễn Thị Nga, bán trứng ở chợ Cổng (Phú Lương, Hà Đông) cho biết, mỗi ngày chị bán hơn 3.000 quả trứng gà, vịt. Giá trứng gà hiện khoảng 3.500 đồng/quả tùy loại; trứng vịt 3.500 đồng/quả. Tại các sạp rau, hoa quả cho thấy, thời gian này nhiều loại rau vào vụ nên giá ổn định, như mướp đắng 15.000 đồng/kg; dưa chuột 20.000 đồng/kg; rau muống 7.000 đồng/mớ.

Một chị chủ sạp hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) cũng cho biết, từ hơn 1 tháng nay giá lợn hơi tăng nên giá móc hàm cũng tăng theo. Theo đó, giá bán cũng tăng từ 10-20.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, sức mua vẫn rất chậm, trước chị bán 2 con/ngày thì nay duy trì 1 con/ngày, do nắng nóng người dân mua ít nên người bán duy trì bán lấy công làm lãi.

Là chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại Hà Đông, chị Nguyễn Thi Hoa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá nhập các loại hàng chế biến sẵn và hóa mỹ phẩm đều đã nhích dần lên nhưng người bán không dám tăng giá vì sức mua quá yếu. Tăng giá nữa thì chắc hàng hóa ngày càng ế ẩm”. Thậm chí, với một số mặt hàng như sữa, cửa hàng còn đang khuyến mại cho người mua cả thùng để kích cầu.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, giá các mặt hàng vẫn duy trì ổn định nhưng sức mua không cao. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRG cho biết, hệ thống siêu thị chưa nhận được thông tin nào của các nhà cung cấp báo giá tăng hay thay đổi giá cung cấp. Giá bán các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị được giữ ổn định, cùng với đó, để kích cầu tiêu dùng, mỗi tháng siêu thị thực hiện 2 lần khuyến mại, nhiều hàng hóa như gạo, dầu ăn, nước mắm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm giảm giá sâu…

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, thuế VAT giảm 2% từ ngày 1/7 áp dụng với một số loại hàng hóa cũng sẽ giúp giảm giá hàng hóa, từ đó góp phần kích thích sức mua tăng lên.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cũng cho hay, Co.opmart hiện chưa nhận được thông tin nào của nhà cung cấp báo biến động thay đổi giá. Siêu thị cùng các nhà cung cấp đã chuẩn bị giảm 2% thuế VAT cho hàng hóa tiêu dùng, theo đó giá hàng hóa một số sản phẩm sẽ giảm xuống.

“Sức mua tại siêu thị không cao, lượng khách đến mua sắm vắng hơn trước. Trong những tháng cuối năm với kỳ vọng giảm thuế 2% VAT, giá hàng hóa giảm, cộng với khuyến mại kích cầu, sức mua sẽ tăng lên”, bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Theo ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng phòng Điều hành vùng khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, việc được giảm 2% thuế VAT sẽ trực tiếp làm giảm giá thành cuối cùng khách hàng phải trả, giúp việc tiêu thụ sản phẩm tăng lên.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn thị trường

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, dù Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm song ở nửa cuối năm, áp lực tăng giá hàng hóa vẫn còn lớn khi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, giá dịch vụ do nhà nước quản lý cũng thực hiện điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI.

“Việc tăng lương kể từ ngày 1/7/2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Chưa kể, EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao khiến giá cả tăng. Đây là điểm được quan tâm rất lớn. Tuy nhiên, mức tiêu dùng của ta đang thấp và luôn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa thiết yếu nên việc tăng lương có thể làm tăng giá hàng hóa nhưng mức tăng sẽ không đột biến”, bà Oanh nêu rõ.

Ở góc độ địa phương, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, sức mua thấp, các hoạt động kích cầu được kết hợp với các tổ chức tín dụng để tạo cơ hội cho người tiêu dùng được giảm giá nếu thanh toán trực tuyến. Song song với đó, TP Hồ Chí Minh vẫn triển khai các chương trình kết nối nông sản, mùa nào thức đấy vào hệ thống các siêu thị để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản. Từ ngày 15/6, TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt chương trình khuyến mại tập trung kéo dài 3 tháng.

Về mặt hàng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng từ 25/8, sẽ tác động đến nguồn cung của thương nhân vào tháng 9, 10. Tuy nhiên, do Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao nhập khẩu ngay từ đầu năm nên dự kiến việc dừng để bảo dưỡng nhà máy theo định kỳ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung do doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thiếu hụt. Do vậy, 6 tháng cuối năm, tình hình nguồn cung xăng dầu cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại phiên họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm, mức tăng của thị trường trong nước và việc đảm bảo cung cầu, giá cả hàng hóa thời gian qua cho thấy, đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Trong các tháng còn lại của năm 2023, để duy trì tăng trưởng thị trường nội địa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để đảm bảo có nguồn hàng dồi dào, ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt là thời điểm tháng 7 khi đến kỳ tăng lương cơ bản.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương bên cạnh việc thực hiện các giải pháp vĩ mô, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giam-thue-tang-luong-se-kich-cau-tieu-dung--i698932/