Giảm thuế và tiền thuê đất hỗ trợ hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Theo chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, các chính sách gia hạn, giảm thuế và tiền thuê đất thời gian qua đã hỗ trợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho tăng trưởng.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2024. Ảnh minh họa
Thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp
Với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, cuối năm 2024, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn năm 2025 và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2025.
Chính sách giảm thuế mấy năm qua tác động tốt tới cung - cầu
TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm tiền thuê đất, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn thực hiện trong mấy năm qua được đánh giá tác động tốt tới cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 30% tiền thuê đất năm 2024, cùng với đó Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2025; xin ý kiến đối với dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế GTGT từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, việc giảm thuế GTGT dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 121 nghìn tỷ đồng…
Đánh giá về các chính sách trên, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách gia hạn, giảm thuế và tiền thuê đất thời gian gần đây được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, đã ngấm vào doanh nghiệp. Trong đó, chính sách gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Từ đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, các chính sách giảm thuế và tiền thuê đất góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi. Vì vậy, những đề xuất của Bộ Tài chính về tiếp tục gia hạn giảm thuế được cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp.
“Thời điểm này, tình hình doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, rất cần sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, kéo dài các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách gia hạn, giảm thuế GTGT và tiền thuê đất”- TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách gia hạn, giảm thuế và tiền thuê đất được doanh nghiệp đánh giá rất cao, vì đây là những khoản tiền mà doanh nghiệp tính toán được ngay để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng thêm nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp một cách tức thời, việc này cũng được Bộ Tài chính đánh giá và xem xét qua phản ánh của các doanh nghiệp thời gian qua.
Có thể nói, các chính sách trên đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp, người dân đánh giá cao sự chủ động của Bộ Tài chính
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Chế Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH TM Dược Phẩm Vera Sunshine cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc miễn, giảm và gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch và các yếu tố tác động khác đến nền kinh tế.
Trong đó, Công ty TNHH TM Dược Phẩm Vera Sunshine được gia hạn, giảm thuế GTGT trong một số kỳ thuế. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Tôi đánh giá cao sự chủ động và kịp thời của Bộ Tài chính trong việc đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Các chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trong dài hạn. Hơn nữa, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ như vậy sẽ giúp tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách của Nhà nước và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ” - bà Hằng chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP thực phẩm Vinh Hà, việc Bộ Tài chính đề xuất các chính sách những năm gần đây được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Với Công ty CP thực phẩm Vinh Hà là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chính sách trên giúp đơn vị giảm được chi phí đầu vào để tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thấy được sự động viên từ Chính phủ.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính cần tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ miễn giảm tiền thuế, tiền thuế đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp như Công ty Vinh Hà. Đây là đơn vị chịu nhiều rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các chính sách khi ban hành từ trên Chính phủ, các bộ ngành khi triển khai xuống phải thông suốt đến các đơn vị được thụ hưởng.
Là người tiêu dùng, anh Vũ Xuân Vinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Chính sách giảm 2% thuế GTGT thực sự có ý nghĩa đối với những người tiêu dùng. Như gia đình tôi có 7 người, nếu tính trên tổng chi tiêu hàng tháng thì số tiền tiết kiệm được không hề nhỏ. Hiện nay, thu nhập của nhiều lao động chưa cải thiện nhiều, thông tin Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách này được người dân rất phấn khởi. Cùng với đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng thúc đẩy doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn”.
Thuế giảm, kích thích tiêu dùng tăng cao
Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT được giảm theo chính sách ước tính khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.137,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu với giá trị ước đạt 1,47 tỷ USD.
Bộ Tài chính đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT đã góp phần quan trọng vào việc giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn gặp một số khó khăn như chi phí sản xuất cao, sức mua nội địa cải thiện chậm và động lực tăng trưởng chưa thực sự bứt phá.
Để tiếp tục duy trì đà phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2025 - 2026. Việc này không chỉ giúp hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% quy định nêu trên từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).