Giảm thuế VAT vẫn còn vướng mắc
Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu
Chiều 14-7, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho doanh nghiệp (DN) yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tính đến tháng 6, hầu hết DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố dần khôi phục nhịp độ hoạt động vốn có. Nhiều DN sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ….
Tuy nhiên, các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn do xung đột Nga- Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và giao thương quốc tế. Cụ thể là khủng hoảng dầu lửa, lương thực và nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ tiêu dùng và sản xuất bị khan hiếm trên thị trường thế giới.
Giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài phục vụ cho sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Giá vận chuyển hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm toàn cầu và trong nước.
Bên cạnh đó, lưu thông hàng hóa ở một số thị trường cũng bị gián đoạn dẫn đến thiếu hụt một số mặt hàng như thực phẩm, thuốc, phân bón, thiết bị y tế…tác động khiến chi phí sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực tăng.
Theo ông Hưng, các DN nhỏ, vừa chịu tác động lớn do dịch bệnh COVID-19, luôn trong tình trạng vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới.
Mặt khác, hoạt động đào tạo nghề và tuyển dụng người lao động vào làm việc tại DN còn gặp không ít khó khăn, nhất là lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao đã và đang gây áp lực đến hoạt động sản xuất của DN trong thời gian tới.
Theo ông Hưng, trong sáu tháng cuối năm, hiệp hội tập trung kết nối, hỗ trợ DN hội viên tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, hội đồng nhân dân thành phố để phục hồi sản xuất. Báo cáo phản ánh kịp thời kết quả DN tiếp cận các chương trình trên, đặc biệt là những vướng mắc để lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết.
Đồng thời, hiệp hội kiến nghị cần có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu đồng thời, có các chính sách hỗ trợ DN kinh doanh sử dụng xăng dầu chiếm tỷ trọng cao; đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn.
Về chính sách miễn, giảm thuế thời gian vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022 quy định giảm thuế VAT từ 10% về 8%.
Tuy nhiên, danh mục hàng hóa giảm thuế chưa thực sự cụ thể đối với một số mặt hàng như cáp điện, trong khi đó một số Cục thuế lại có cách giải thích không rõ ràng, không hoàn toàn giống nhau nên DN khó khăn trong áp dụng chính sách.
Ngoài ra, công tác hậu kiểm hoặc kiểm tra sau thông quan cũng là vấn đề khó khăn của DN vì các cuộc kiểm tra này có thể tiến hành từ 3-5 năm sau khi nghiệp vụ phát sinh. Khi phát hiện sai phạm thì cũng đã xảy ra trong thời gian dài, với số tiền khá lớn, mà DN không biết được sai sót để điều chỉnh kịp thời và phát sinh phạt vi phạm hành chính và lãi phạt nộp chậm rất đáng kể.
"Do đó, cơ quan thuế, hải quan cần rút ngắn thời hạn định kỳ hậu kiểm hoặc kiểm tra sau thông quan tối đa một năm, giúp DN giảm thiểu thiệt hại" - ông Hưng nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-thue-vat-van-con-vuong-mac-post689161.html