Giảm thuế xăng dầu sẽ giảm thu 13.000 tỷ đồng

Sáng 15/4, tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lần này không ảnh hưởng đến cấu trúc giá cơ sở xăng dầu. Dự tính, tổng số thu thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ bị giảm khoảng 13.000 tỷ đồng, nhưng bù lại sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ tiền thuế môi trường với xăng dầu.

Quyết định điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu vừa được đưa ra, chỉ nửa tháng trước thời điểm 1/5/2015 khi xăng dầu phải “cõng” thêm thuế bảo vệ môi trường (từ 600 -2.000 đồng/lít tùy loại, trừ dầu hỏa). Mức thuế suất mới thấp nhất là 10%, và cao nhất là 20% với xăng và nhiên liệu bay.

Không ảnh hưởng cơ sở tính giá

Theo Thông tư 48 của Bộ Tài chính (ngày 13/4/2015), thuế nhập khẩu xăng dầu đã giảm mạnh từ ngày 14/4/2015. Cụ thể, thuế suất với xăng RON92/95 giảm từ 35% xuống mức 20%; mặt hàng dầu diezel và dầu hỏa cùng giảm xuống mức 20% (mức cũ lần lượt là 35% và 30%), dầu mazdut giảm từ 35% xuống 25%. Mặt hàng nhiên liệu bay cũng được giảm thuế từ 25% xuống 10%.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng sinh học (E5 và E10), dầu sinh học (B5 và B10) là 20% nhằm khuyến khích sản xuất, phối trộng và tiêu dùng nhiên liệu mới…

Hiện nay, giá cơ sở xăng dầu bao gồm giá nhập khẩu xăng dầu bình quân, thuế suất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức… Hai thành tố là thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường sẽ có tác động trực tiếp tới giá cơ sở xăng dầu và giá bán lẻ.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó cục Quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lần này không ảnh hưởng đến cấu trúc giá cơ sở xăng dầu. Bộ Tài chính đã tính toán, điều hành chính sách thuế bám sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng các công cụ điều hành quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.

Bộ Tài chính cũng đánh giá, việc thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng đến giá bán xăng dầu và phù hợp với chu kỳ điều hành giá lần tới trong tháng 5/2015.

Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để ứng phó với thuế môi trường tăng mạnh

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lần này sẽ làm giảm số thu ngân sách nhà nước khoảng 13.000 tỷ đồng. Nhưng bù lại, ngân sách sẽ có nguồn tăng thu thêm 10.831 tỷ đồng từ tiền thuế môi trường với xăng dầu nhập khẩu.

“Việc điều chỉnh giảm thuế này là thực hiện Nghị quyết 888a nhằm khuyến khích sử dụng xăng sinh học trong nước, cùng với thực hiện các cam kết giảm thuế nhập khẩu khi hội nhập… Hiện nay, Bộ Tài chính dang theo dõi sát diễn biến giá xăng đầu thế giới để có sự điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu phù hợp”- Ông Thi chia sẻ.

Còn việc sử dụng 10.831 tỷ đồng tăng thu từ phí bảo vệ môi trường, theo ông Phạm Đình Thi, sẽ căn cứ theo quy định về thu chi ngân sách nhà nước để thực hiện.

“Cứu nguy” cho nhà máy lọc dầu

Một vấn đề được quan tâm là vì sao Bộ Tài chính chỉ giảm mạnh thuế suất nhập khẩu với mặt hàng xăng xuống mức 20%. Còn thuế suất với mặt hàng dầu vẫn chưa giảm xuống mức 5% như lộ trình giảm thuế nhập khẩu đã cam kết? Gần đây, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn đang kiến nghị giảm thuế nếu không sẽ phải “đóng cửa”?

Về chính sách thuế, ông Phạm Đình Thi chia sẻ, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi theo Thông tư 48 đã giúp giảm mức chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN (ATIGA). Điều này cũng giúp giải quyết cơ bản những lo ngại của nhà máy lọc dầu trong nước trước sức ép thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong ASEAN, kích thích tiêu thụ xăng dầu nội địa.

Liên quan đến khó khăn của các nhà máy lọc dầu, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho hay, nhà máy có nguy cơ đóng cửa vì sản phẩm làm ra khó cạnh tranh. Công ty này đang xin Chính phủ giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hợp lý để sản phẩm của nhà máy nàycó thể cạnh tranh được tại thị trường trong nước. Hiện, Bình Sơn đang được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu xăng dầu, cụ thể: thuế suất 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa... Nhưng, ngay cả khi có ưu đãi thuế như vậy thì vẫn cao hơn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khối ASEAN. Do đó, sản phẩm lọc dầu Dung Quất có nguy cơ bị “ế”, kém cạnh tranh.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng dự tính, nếu áp dụng biểu thuế ATIGA thì các khoản nộp ngân sách của Dung Quất sẽ bị giảm 14.300 tỷ đồng (năm 2015) và có thể giảm hơn 16.250 tỷ đồng/năm trong 3 năm tới.

Theo ông Phạm Đình Thi, các kiến nghị của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đã cơ bản được giải quyết khi Bộ Tài chính quyết định giảm thuế lần này. Số thu điều tiết từ Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cũng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã tính toán kỹ những tác động đối với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước. Đơn cử, nếu giảm thuế xăng về bằng mức 20% thì sẽ không có rủi ro cho nền kinh tế.

Vậy, mục tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chiếm tới 80-90% thị phần xăng dầu trong nước và thuế nhập khẩu sẽ giảm sâu, liệu giá xăng dầu có hấp dẫn hơn không?

“Đây là câu chuyện của tương lai. Nhưng về quan điểm điều hành thì chính sách giá đối với xăng dầu vẫn phù hợp với nguồn sản xuất trong nước. Dù vậy, nguồn xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào biến động giá thế giới. Và nguồn dầu thô vẫn phải nhập từ nước ngoài. Khi ấy, Bộ sẽ làm tiếp việc điều hành giá như thế nào”- Ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Thu Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/giam-thue-xang-dau-se-giam-thu-13000-ty-dong-1045005.html