Giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng bằng cải thiện khả năng thực hành chăm sóc

Mặc dù diện tích đất của gia đình không nhiều nhưng chị Thò Thị Kía (ở xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) luôn dành một phần đất để chăn nuôi, trồng trọt, chủ động nguồn thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng cho gia đình.

 Cán bộ Hội LHPN xã Lũng Pù (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho hội viên

Cán bộ Hội LHPN xã Lũng Pù (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe thai kỳ cho hội viên

Đây là kiến thức bổ ích mà chị Kía học được từ khi tham gia mô hình "Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng" được triển khai tại địa phương.

"Nhờ có cán bộ Trạm y tế xã và cán bộ Hội LHPN xã thường xuyên đến tuyên truyền, tập huấn trang bị về kiến thức chăn nuôi, hướng dẫn cách chế biến các món ăn đảm bảo dinh dưỡng nên tôi đã biết nấu cháo dinh dưỡng cho các con. Các con lớn nhanh, ít bị ốm vặt hơn", chị Kía tâm sự.

Năm 2018, Văn phòng tổ chức Plan tại Hà Giang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phụ trách triển khai "Dự án truyền thông phòng, chống suy dinh dưỡng dựa vào cộng đồng" tại 4 xã gồm: Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù và Lũng Chinh, với 24 nhóm tham gia.

Đến nay, có khoảng 430 hộ dân tham gia 30 nhóm phòng, chống suy dinh dưỡng dựa vào cộng đồng tại các xã dự án.

Ngay từ khi triển khai dự án, cán bộ các trạm y tế đã đến từng thôn, bản rà soát số trẻ em trong độ tuổi, trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng, tổ chức thăm khám và truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân.

Bà Giàng Thị Sừa, cán bộ Trạm Y tế xã Cán Chu Phìn, cho biết: "Trên địa bàn xã có hơn 500 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có gần 100 cháu bị suy dinh dưỡng. Qua nhiều năm triển khai thực hiện dự án, người dân đã nhận thức được chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và chủ động chăm sóc con em mình.

Nhờ vậy, hiện nay, số trẻ suy dinh dưỡng đã giảm còn hơn 20 cháu. Trạm đang nỗ lực phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ trẻ em như: cho uống thuốc, tăng cường các lớp tập huấn hướng dẫn cộng đồng dân cư cung cấp chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi".

Cán bộ Trạm y tế xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tập huấn kiến thức về bữa ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ

Cán bộ Trạm y tế xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tập huấn kiến thức về bữa ăn dinh dưỡng cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ

Chị Sùng Thị Pà, Chủ tịch Hội LHPN xã Cán Chu Phìn, cho biết, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình vẫn phải lo chạy ăn từng bữa nên vấn đề dinh dưỡng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức.

"Chúng tôi cùng với các Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ và cán bộ y tế xã thường xuyên vận động hội viên phụ nữ có con bị suy dinh dưỡng đưa trẻ đi cân đo, đến trạm y tế để được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng.

Mưa dầm thấm lâu, nhận thức của các bậc phụ huynh về thành phần cũng như các nhóm dinh dưỡng trong bát cháo, bát bột được nâng cao, để trẻ có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng", chị Sùng Thị Pà nói.

"Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng" là mô hình đang được nhiều địa phương triển khai. Mô hình này được ra đời nhằm quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào cộng đồng.

Đặc biệt, các bác sĩ, y tá sẽ chủ động can thiệp vào "1.000 ngày vàng", ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi.

Các cán bộ y tế cũng triển khai hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, phụ nữ mang thai. Số phụ nữ có thai được khám, tư vấn thai nghén và chăm sóc thai tại các trạm y tế xã đạt trên 80%.

Ông Lý Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi có các cô đỡ thôn bản được đào tạo, sẵn sàng hỗ trợ các bà mẹ, phụ nữ mang thai".

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giam-ti-le-tre-suy-dinh-duong-bang-cai-thien-kha-nang-thuc-hanh-cham-soc-20240715144933997.htm