Giảm tốc độ qua trường học, bảo đảm an toàn cho trẻ

Giao thông khu vực trường học tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT khi thường xuyên xảy ra ùn tắc, lưu lượng phương tiện lớn, di chuyển tốc độ cao.

Bất an đường đến trường

Cảnh tượng ùn tắc giao thông vào giờ tan học đã trở thành một hình ảnh quen thuộc mỗi khi phụ huynh đến đón con và đỗ xe ngay trước cổng trường không chỉ ở các đô thị mà ngay tại các địa phương.

Giao thông khu vực trường học tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Giao thông khu vực trường học tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Điều đáng nói, không ít những trường học nằm ven quốc lộ, tỉnh lộ, nơi mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện lưu thông, trong đó, nhiều xe tải di chuyển với tốc độ cao khiến tai nạn giao thông (TNGT) luôn chực chờ.

Thực tế không ít những vụ tai nạn đã xảy ra. Mới đây nhất, khoảng 10h34 ngày 17/3, em Đinh Thị Thu H (học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lê Hồng Phong, tỉnh Quảng Bình) tan học trở về nhà trên chiếc xe đạp điện, khi vừa ra khỏi cổng trường được chục mét, bất ngờ bị chiếc xe tải lấn làn đâm tử vong.

Đáng chú ý, thời điểm này, trước cổng trường rất đông học sinh đi học về tuy nhiên, theo trích xuất từ camera an ninh, chiếc xe tải có dấu hiệu chạy ẩu, không giảm tốc độ, lấn làn gây ra vụ tai nạn.

Trước đó, khoảng 12h30 ngày 8/2, tại Đồng Nai cũng xảy ra vụ TNGT khi chiếc xe đưa đón học sinh BKS 60B-043.93 trong lúc tài xế cho lùi xe đã cán tử vong em Q.C (học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hà Huy Giáp) ngay trước cổng trường.

TS. Nguyễn Minh Hiếu, Đại học Giao thông vận tải cho biết, tuy không có số liệu thống kê về tai nạn tại các cổng trường học nhưng thực tế đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) bởi môi trường giao thông đông đúc nhưng thiếu phương án tổ chức giao thông, đặc biệt là tình trạng phương tiện đi tốc độ cao qua khu vực này.

Theo Nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tại Hà Nội, TNGT liên quan tới trẻ em từ năm 2015 đã gia tăng theo cả 3 tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương.

Học sinh cấp 3 là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong những năm gần đây. Tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp 3 tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh.

Trong khi đó, mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP.HCM cao gấp 3 - 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8-9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.

Theo GS. TS Từ Sỹ Sùa, Đại học Giao thông vận tải, một nghiên cứu của WHO (2015) đã cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa tốc độ và số vụ va chạm giao thông theo đó, nếu tăng tốc độ trung bình 1km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ TNGT. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ TNGT nghiêm trọng. Tốc độ bình quân 80km/h, khả năng gây ra TNGT cao hơn nhiều so với tốc độ 50km/h.

“Phần lớn những người bị xe cơ giới đâm ở tốc độ thấp hơn 30km/h đều sống sót (có 90% cơ hội sống sót). Ở tốc độ đâm 45km/h, cơ hội sống sót giảm xuống dưới 50%. Ở tốc độ đâm 80km/h, người bị đâm gần như không có cơ hội sống sót”, ông Sùa nhấn mạnh và cho biết: Công tác quản lý tốc độ giao thông tại VN hiện đang còn một số bất cập. Các khu vực phức tạp về giao thông như trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại... hiện chưa có quy định thống nhất trong kiểm soát tốc độ.

Pano thông báo khu vực trường học và nhắc nhở lái xe giảm tốc độ được lắp đặt trên đường trước đoạn qua cổng trường học ở TP Pleiku, Gia Lai.

Pano thông báo khu vực trường học và nhắc nhở lái xe giảm tốc độ được lắp đặt trên đường trước đoạn qua cổng trường học ở TP Pleiku, Gia Lai.

Giảm tốc độ, bảo vệ trẻ đến trường

Bà Hoàng Na Hương, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống tai nạn thương vong Châu Á (AIP) cho biết, tại Việt Nam, hơn 17 triệu trẻ em đi lại từ nhà đến trường từ 2-4 lần mỗi ngày. Nhiều trẻ em đi chung đường với xe tải chạy quá tốc độ và không có vỉa hè để đi bộ đến trường. Đáng báo động là tốc độ giao thông xung quanh các trường học thường xuyên vượt quá giới hạn tốc độ của các khu vực trường học được quốc tế khuyến nghị.

Để bảo vệ tính mạng của các học sinh nhỏ tuổi trên hành trình đến trường, từ năm 2018, Quỹ AIP đã phối hợp với Ban ATGT 6 tỉnh trên cả nước triển khai dự án “Giảm tốc độ - trường học an toàn”, trong đó có Gia Lai.

Thông qua dự án, cơ sở hạ tầng xung quanh các trường học trên địa bàn các tỉnh đã được cải thiện đáng kể về khả năng đi bộ và an toàn cho trẻ đi bộ đến trường thông qua việc bổ sung các vạch giao nhau, vạch sang đường, cải tạo vỉa hè khu vực trường học, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học, lắp đặt biển báo quy định tốc độ mới…

UBND tỉnh Gia Lai sau đó đã ban hành quy định chung về đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP Pleiku vào các khung giờ cao điểm.

Trong đó, tốc độ tối đa cho phép ở khu vực trường học có đường đôi, có dải phân cách là 40km/h, khu vực đường hai chiều, không có dải phân cách là 30km/h, giảm 20km/h so với trước đây, giúp lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống đảm bảo an toàn khi qua trường học.

Chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại TP Pleiku, phụ huynh học sinh) cho biết, trước đây, vào giờ tan trường, khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng thường xảy ra tình trạng phụ huynh đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường. Chưa kể, trường nằm trên đường Lê Duẩn cũng là trục QL19, nơi lưu lượng xe qua lại rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

“Từ khi dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” triển khai, hạ tầng giao thông trước cổng trường đã được cải tạo, các biển báo giao thông được lắp đặt, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nhờ đó ý thức chấp hành của người dân tăng cao, phụ huynh và học sinh rất yên tâm”, chị Thu chia sẻ.

Trong khi đó, anh Phạm Hoài Nam (lái xe) cho rằng, việc cảnh báo khu vực trường học với biển giới hạn tốc độ rất cần thiết và ý nghĩa giúp người tham gia giao thông nhận biết để chủ động giảm tốc độ, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường và tan học.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: Thông qua dự án đã tạo ra những khu vực trường học an toàn kiểu mẫu cần được nhân rộng trên toàn quốc thời gian tới.

Ủng hộ việc giới hạn tốc độ phương tiện qua khu vực trường học, ông Sùa cũng cho hay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa các khu vực trường học, bệnh viện, khu đông dân cư vào diện kiểm soát tốc độ nghiêm ngặt và tốc độ lưu thông tối đa cho phép với xe cơ giới thường là 30km/h. Đây là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể tham khảo.

Đồng quan điểm, theo ông Hiếu, trước hết cần luật hóa quy định tốc độ 30km/h qua cổng trường học. Đồng thời, cần phải tuyên truyền và giải thích rõ ràng để người dân hiểu và tuân thủ, song song với việc thiết lập chế tài xử phạt nghiêm nếu vi phạm.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/giam-toc-do-qua-truong-hoc-bao-dam-an-toan-cho-tre-d600627.html