Giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng
Hiện nay, tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% số ca tử vong và là gánh nặng về kinh tế. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở, ngành Y tế tỉnh... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hiện nay, tỷ lệ người bị mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) có xu hướng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% số ca tử vong và là gánh nặng về kinh tế. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại tuyến y tế cơ sở, ngành Y tế tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.
BKLN chủ yếu là các bệnh: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các rối loạn tâm thần... Hầu hết người mắc BKLN phải điều trị suốt đời. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi lâu dài, các bệnh không lây nhiễm sẽ gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các yếu tố nguy cơ của BKLN chủ yếu do hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý… Để tăng cường công tác dự phòng, phát hiện và quản lý BKLN tại cộng đồng, ngành Y tế đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 376/2015/QĐ-TTg từ năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN giai đoạn 2015-2025; củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, nhất là tại các trạm y tế. Sở Y tế xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống BKLN trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hoạt động phòng chống BKLN trên toàn tỉnh, như: Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh phòng chống các bệnh về tăng huyết áp, tim mạch; phối hợp với Bệnh viện Nội tiết tỉnh phòng chống đái tháo đường; phối hợp Bệnh viện Phổi tỉnh phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh phòng chống ung thư; phối hợp với Bệnh viện Tâm thần tỉnh bảo vệ sức khỏe tâm thần. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố củng cố mạng lưới quản lý BKLN từ huyện đến xã; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế về thực hiện nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị BKLN. Nhằm nâng cao năng lực phòng chống BKLN cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn, hàng năm, Sở Y tế tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Từ năm 2020 đến nay, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn cập nhật kiến thức về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, đái tháo đường cho cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; 10 lớp tập huấn về giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho cán bộ Trung tâm Y tế, trạm y tế; 20 lớp tập huấn về giám sát, chẩn đoán điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho cán bộ trạm y tế; 27 lớp tập huấn về sàng lọc, phát hiện một số bệnh ung thư thường gặp cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến; 12 lớp tập huấn về phát hiện, các yếu tố nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường cho cộng tác viên y tế… Tính đến nay, cơ sở y tế các tuyến đã khám sàng lọc tăng huyết áp cho trên 356,5 nghìn lượt người, phát hiện 94.588 người tăng huyết áp; khám sàng lọc đái tháo đường cho trên 55,4 nghìn lượt người, phát hiện 25.677 người đái tháo đường; khám sàng lọc ung thư vú cho 1.512 người… Hiện toàn tỉnh có 51.974 bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý điều trị, trong đó 46,27% bệnh nhân điều trị đạt huyết áp mục tiêu; 19.994 bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị; 1.886 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được quản lý, điều trị ngoại trú; khoảng 10 nghìn bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và một số rối loạn tâm thần được quản lý điều trị. Trung tâm Y tế tuyến huyện là đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống BKLN tại tuyến huyện và thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã về chẩn đoán, điều trị, quản lý và dự phòng BKLN. Hiện cả 10 huyện, thành phố đã triển khai hoạt động quản lý bệnh nhân tăng huyết áp. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai các Dự án, chương trình phòng chống BKLN như: 21 xã của huyện Giao Thủy triển khai mô hình quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; 5 xã của huyện Vụ Bản và thành phố Nam Định triển khai Dự án phát hiện, quản lý bệnh Đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết; 46 xã, phường, thị trấn của các huyện, thành phố triển khai Dự án can thiệp giảm muối phòng chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ và các BKLN khác của Cục Y tế dự phòng. Nhờ đó, hoạt động sàng lọc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư được triển khai theo đúng kế hoạch. Các trạm y tế cấp xã đã chủ động, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều trị BKLN. Việc điều trị BKLN ngay tại trạm y tế giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí do không phải đi xa, mất nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi và cán bộ y tế tại trạm cũng có thể tư vấn, quản lý, theo dõi người bệnh điều trị dễ dàng hơn.
Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm BKLN thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như: Đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư... được quan tâm chú trọng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố truyền thông trực tiếp và gián tiếp nâng cao kiến thức của cộng đồng về BKLN. Cung cấp cho cơ sở y tế tài liệu truyền thông: mẫu tờ rơi, băng rôn, áp phích về các dấu hiệu của bệnh, biện pháp phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn giảm muối trong bệnh tim mạch; tổ chức các hoạt động như Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp; hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá... Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức của nhân dân về phòng chống các BKLN. Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả thời gian qua của các đơn vị, địa phương đã góp phần nâng cao năng lực và triển khai hiệu quả hoạt động quản lý, điều trị BKLN tại cộng đồng.
Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các BKLN, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống BKLN các tuyến, đặc biệt là tại các trạm y tế để tăng tỷ lệ phát hiện sớm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý BKLN, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời. Mỗi người cần hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc các bệnh tật./.
Bài và ảnh: Minh Tân