Giảm vi phạm giao thông bằng cách tăng tiền phạt có phải là giải pháp tốt?

Theo giới tài xế, người dân nếu muốn giảm vi phạm giao thông cần thực hiện đồng bộ các phương án, trong đó ý thức của người và và sự vào cuộc thường xuyên liên tục của cơ quan chức năng là mấu chốt.

Mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, có ý kiến đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 200 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Nghĩa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm nghề lái xe tải, trên đường gặp những người vi phạm giao thông rất khó chịu và hành vi thiếu ý thức này làm ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi thấy cảm nhận thấy trên đường, từ đầu năm 2025, khi áp dụng Nghị định 168 đã rất nghiêm khắc, tác động sâu rộng đến xã hội. Thực tế, tình trạng người vi phạm cũng như các vụ va chạm giao thông đã giảm hẳn. Cùng với đó, các quy định hiện nay rất cao, rất chặt chẽ như trường hợp nào cố tình vi phạm bị phạt và trừ điểm ở bằng lái xe rất cao. Trong khi đó, nếu xảy ra hậu quả có thể bị khởi tố, thậm chí là đi tù rất dài. Chúng tôi, giờ nếu ra đường không dám uống rượu bia, còn những người tài xế ô tô nếu không phải là công việc cần thiết thì rất ngại lái xe đi đường vì khó có thể chắc chắn 100% không bao giờ vi phạm".

Nếu muốn giảm vi phạm giao thông cần thực hiện đồng bộ các phương án, trong đó ý thức của người và sự vào cuộc thường xuyên liên tục của cơ quan chức năng là mấu chốt.

Nếu muốn giảm vi phạm giao thông cần thực hiện đồng bộ các phương án, trong đó ý thức của người và sự vào cuộc thường xuyên liên tục của cơ quan chức năng là mấu chốt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Lâm (tài xế xe tải đường dài) cho rằng: “Tôi rất lo ngại với ý kiến đề xuất tăng mức phạt lên 200 triệu đồng, vì theo công bố của Tổng cục Thống kê Quý 4/2024, mức thu nhập bình quân của lao động Việt Nam năm 2024 là 7,7 triệu đồng/tháng. Nếu xử phạt cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân của người dân thì sẽ không phù hợp và khả thi vì đa số người dân không đủ khả năng nộp phạt. Chúng tôi đều là tài xế lái xe thuê, mức lương thu nhập hơn 10 triệu/tháng, nếu mức quá cao vừa không thể nộp phạt mà có những trường hợp phải bán xe ô tô mới đủ tiền. Trong khi đó, quy định hiện hành đã rất cao và nghiêm khắc như treo bằng, truy tố,…chúng tôi đã không dám vi phạm rồi".

Ông Nguyễn Công Chính (chủ nhà xe khách đường dài ở Thái Nguyên) cho rằng: “Nhiều người cứ nghĩ chưa toàn diện và cho rằng, cứ đưa mức phạt cao để ai cũng phải sợ, muốn không mất tiền thì chấp hành nghiêm quy định của pháp luật giao thông. Nói như vậy không sai, nhưng cũng có những trường hợp vi phạm không cố tình, do sơ suất, do mất tập trung. Nếu bị phạt quá cao, sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho cá nhân và gia đình. Một người lái xe thuê, bị phạt cao, mất chục tháng lương thì lấy gì nuôi vợ con. Chưa kể, hạ tầng giao thông hiện nay chưa tương xứng với quá trình phát triển, xe cộ lưu thông khó khăn. Biển báo giao thông bị che khuất, đèn tín hiệu giao thông còn có nơi bị lỗi,... nên có thể dẫn đến việc lái xe vi phạm. Với người nghèo, họ sẽ không nộp phạt, không phải vì họ không chấp hành, mà vì họ không có tiền. Cho nên, quy định cần sát thực tế để người dân tuân thủ pháp luật và có khả năng chấp hành quyết định xử phạt hành chính nếu vi phạm. Như vậy, luật mới đi vào đời sống, tạo ra hiệu quả trong xã hội”.

Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm nghiêm minh, liên tục, ý thức chấp hành quy định của người dân tốt thì không nhất thiết phải tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm nghiêm minh, liên tục, ý thức chấp hành quy định của người dân tốt thì không nhất thiết phải tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

Theo ông Nguyễn Công Chính, để giao thông an toàn, văn minh, không chỉ xử phạt nặng mà cần làm thật tốt những việc khác. Đó là xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại và tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông sâu rộng, có thực chất.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Tú Tài (chủ doanh nghiệp xe khách hợp đồng tại Nam Định) chia sẻ: “Mấu chốt của việc giảm vi phạm giao thông là lực lượng chức năng có xử lý nghiêm minh theo quy định hay không. Các cơ quan lực lượng chức năng có áp dụng khoa học công nghệ như sử dụng camera xử phạt nguội tự động, bỏ ngay cơ chế xin cho của những cán bộ tham nhũng vặt khiến người dân nhờn luật hay không,… hay sau mỗi đợt ra quân tăng cường xử lý vi phạm, xong đâu lại vào đó”.

Theo ông Hoàng Tú Tài, một khi cơ quan chức năng xử phạt vi phạm nghiêm minh, liên tục, kèm theo đó là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân có hiệu quả. Ý thức chấp hành quy định của người dân được nâng lên thì không cần thiết phải tăng mức xử phạt lên mức quá cao như vậy.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giam-vi-pham-giao-thong-bang-cach-tang-tien-phat-co-phai-la-giai-phap-tot-post1201472.vov