Giãn cách xã hội nhưng không được để công việc ách tắc

Sáng nay- 20/4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: 'Trong thời gian giãn cách không có nghĩa là không làm việc'.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VOV

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VOV

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ trong việc phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh chương trình làm việc linh hoạt, phù hợp, cũng như tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong tiếp thu ý kiến tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm triển khai gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dù Phiên họp lùi hơn một tuần do ảnh hưởng của dịch bệnh và trước đó Tổng Thư ký Quốc hội cũng có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan bằng hình thức làm việc phù hợp chuẩn bị kịp thời các nội dung nhưng đến hôm nay vẫn còn thiếu một số tài liệu. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở: “Điều này cần chú ý. Trong thời gian giãn cách không có nghĩa là không làm việc, để công việc ách tắc. Phải thay đổi phương thức làm việc”.

Như PLVN đã đưa, tại phiên họp kéo dài đến 23/4 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; Phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Đặc biệt là cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/gian-cach-xa-hoi-nhung-khong-duoc-de-cong-viec-ach-tac-510340.html