Giản dị - giá trị cao đẹp trong phẩm chất đạo đức và lối sống của Bộ đội Cụ Hồ

Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra từ nhân dân, lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân, được nhân dân chở che, đùm bọc, giúp đỡ nên từ trong bản chất của mỗi quân nhân, từ ý chí đến hành động, từ suy nghĩ đến việc làm, từ thái độ đến hành vi đều toát lên vẻ đẹp chân chất, giản dị, tinh tế của con người Việt Nam.

Vẻ đẹp giản dị của Bộ đội Cụ Hồ đã được kết tinh qua thời gian, lắng đọng như những trầm tích rồi trở thành những vầng sáng lấp lánh tô đẹp, tỏa sáng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong suốt 80 năm qua.

Với mỗi người con đất Việt, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào cuộc sống thường ngày với những nét đẹp giản dị, gần gũi, thân thương. Màu quân phục Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành màu của tin yêu trong lòng nhân dân từ lịch sử kháng chiến hào hùng đến khi đất nước hòa bình, vươn mình mạnh mẽ trước nhịp sống thời đại. V.I.Lênin từng nói, đại ý: Cái gì đã biến thành cuộc sống thì cái đó chính là văn hóa. Nghĩa là văn hóa là điều gì đó đã trở thành bản chất, thành cái thường xuyên trong mỗi con người và trong cuộc sống. Đối với Bộ đội Cụ Hồ, sự giản dị đã trở thành nét văn hóa sâu đậm và lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xuất hiện một số danh xưng, hình ảnh mới mang đậm tính thời đại. Trong đó, Bộ đội Cụ Hồ là danh xưng mới, gần gũi, mang ý nghĩa đẹp, đầy tính nhân văn, tính văn hóa chứa đựng sự giản dị, mộc mạc mà nhân dân trao gửi. Tên gọi Bộ đội Cụ Hồ xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Tôi nhớ rằng, từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên. Có lẽ về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) cắt tóc, góp phần làm đẹp tác phong cho đồng đội. Ảnh: Phú Sơn

Chiến sĩ Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) cắt tóc, góp phần làm đẹp tác phong cho đồng đội. Ảnh: Phú Sơn

Khi nói đến Bộ đội Cụ Hồ là nói đến bước trưởng thành của những người lính xuất thân từ nhân dân, mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, nét đẹp văn hóa của nhân dân, của truyền thống dân tộc. Từ lối sống giản dị, mộc mạc dần được rèn luyện trở thành một đội quân tinh nhuệ, ghi những chiến công rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những người lính chân đất, mộc mạc, xuất thân từ nhân dân mà đại đa số là nông dân đã gắn với nhau bằng một tình cảm mới-tình đồng chí. Đó chính là một phẩm chất, một giá trị văn hóa mới được hình thành.

Trong mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn có sự kết hợp của hai yếu tố, đó là sự hồn nhiên, vô tư, giản dị và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một trong những nét phẩm chất rất đặc trưng của người lính Bộ đội Cụ Hồ là sự hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi. Họ sẵn sàng cầm súng xông lên, bất chấp bom đạn kẻ thù, sẵn sàng hy sinh quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, nhưng lại sống rất đỗi trong sáng, vô tư, giản dị và gần gũi với nhân dân. Họ không phải là những người lính kiêu hùng mà là những anh hùng cách mạng thực sự.

Phải khẳng định rằng, Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, rất giản dị, ấm áp, thân mật. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho bộ đội ta mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những đặc trưng nổi bật của Bộ đội Cụ Hồ như: Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân; có tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật tự giác, nghiêm minh và ham học hỏi, cầu tiến bộ... trở thành những hành trang quý báu trên hành trình lớn lên, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 80 năm qua. Đó cũng là nét văn hóa quân sự đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra, kế thừa tinh thần tình làng nghĩa xóm, vào quân ngũ phát triển thành tình quân dân, trên khía cạnh dân vận và kết tạo thành tình đồng đội trên khía cạnh đoàn kết. Chính tình quân dân và tình đồng đội đã góp phần tạo nên sức mạnh vô địch cho Quân đội. Đây được coi như một trong những phẩm chất cao cả của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 28-12-2021, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về "Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chỉ ra 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, đặc trưng thứ hai có đề cập đến phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đó là: “Có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không thỏa mãn với thành tích, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy”.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với bản chất cách mạng ở Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo; là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.

Trong "lò lửa" của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Cụ Hồ là những chiến sĩ đã được tôi luyện thành "gang thép". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của nhân dân, Quân đội ta đã làm tròn sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, đó là những chiến sĩ ngày đêm canh giữ bầu trời, vùng biển, biên giới, hải đảo, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân; đến giúp đồng bào bị thiên tai, bão lụt, đến với các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cùng với đồng bào xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tối tăm, bệnh tật, thắp sáng niềm tin cho đồng bào. Chính vì thế, tên gọi Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một trong những cái tên trìu mến, thân thương, giản dị và gần gũi với nhân dân trong thời chiến cũng như thời bình.

Có một câu danh ngôn, đại ý: Trong mọi thứ, trong tính cách, trong cung cách và trong phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị. Đức tính giản dị là đặc trưng, là phong cách góp phần làm nên giá trị đạo đức cách mạng và lối sống nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ. Bởi vì, Quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra từ nhân dân, lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân, được nhân dân chở che, đùm bọc, giúp đỡ nên từ trong bản chất của mỗi quân nhân, từ ý chí đến hành động, từ suy nghĩ đến việc làm, từ thái độ đến hành vi đều toát lên vẻ đẹp chân chất, giản dị, tinh tế của con người Việt Nam. Vẻ đẹp giản dị của Bộ đội Cụ Hồ đã được kết tinh qua thời gian, lắng đọng như những trầm tích rồi trở thành những vầng sáng lấp lánh tô đẹp, tỏa sáng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong suốt 80 năm qua.

Đại tá, TS ĐỖ VĂN DẠO, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-xung-dang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/gian-di-gia-tri-cao-dep-trong-pham-chat-dao-duc-va-loi-song-cua-bo-doi-cu-ho-789518